Tiền gửi khách hàng diễn biến bất ngờ sau 9 tháng năm 2022
Tính đến cuối quý 3/2022, lượng tiền gửi khách hàng tại một số nhà băng tăng trên 10% so với đầu năm do lãi suất huy động liên tục tăng nóng
Lãi suất tăng ‘nóng’ từ đầu năm đến nay đã giúp lượng tiền gửi khách hàng tại các nhà băng tăng đáng kể so với năm 2021.
Tính đến cuối quý 3/2022, "ông lớn" BIDV tiếp tục dẫn dầu bảng xếp hạng các ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất 9 tháng đầu năm, trong khi đó, Sacombank dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân về chỉ tiêu này.
Cụ thể, BIDV là nhà băng huy động được nhiều tiền gửi khách hàng nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm ngoái. Đứng sau lần lượt là Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,4 % và 2,4% so với cuối năm 2021. Vị trí thứ 4 là ngân hàng Sacombank với lượng tiền gửi khách hàng tăng 7% so với đầu năm, đạt hơn 457.800 tỷ đồng. Theo sau là ngân hàng ACB với tiền gửi khách hàng đạt hơn 392.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm.
Đáng chú ý, dù BIDV, Vietcombank và Vietinbank là top 3 về lượng tiền gửi khách hàng, song 3 ông lớn này không phải là các ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng nhanh nhất.
Theo đó, tính đến cuối quý 3/2022, TPBank là ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng trưởng mạnh nhất, lên tới 16,6% đạt hơn 162.694 tỷ đồng. Tiếp đến là VPBank với hơn 277.422 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm; HDBank với hơn 207.780 tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm.
Ngoài ra, tiền gửi khách hàng tại ABBank cũng tăng tới 10% so với đầu năm, đạt 74.748 tỷ đồng; ngân hàng VIB cũng tăng 9% lên 189.033 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, một số nhà băng ghi nhận sụt giảm tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2022. Đơn cử như ngân hàng MB giảm 2% so với đầu năm, đạt 377.145 tỷ đồng; ngân hàng Bản Việt giảm 4% xuống còn 43.386 tỷ đồng hay KienLongBank giảm tới 18%, ghi nhận 42.225 tỷ đồng;…
Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,31 triệu tỷ đồng, giảm 78.818 tỷ đồng so với tháng 7.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 8 giảm 87.783 tỷ đồng so với tháng trước đó, xuống còn hơn 5,67 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư cuối tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ 7.955 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,63 triệu tỷ đồng, gần đuổi kịp tiền gửi của các TCKT.
Nhìn lại giai đoạn 2020-2021, tiền gửi của các TCKT tăng trưởng mạnh và vượt qua lượng tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, tiền người của người dân đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn của hệ thống.
Trong báo cáo mới nhất SSI Research có dẫn số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10, so với cuối năm 2021, tín dụng đã tăng 11,38%, cung tiền M2 tăng 3,09% và huy động vốn tăng 4,8%.
Theo đó, nhóm phân tích đánh giá, chênh lệch huy động – tín dụng vốn đã rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7. Sau khi mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, tình hình đã có sự cải thiện nhẹ (mặc dù chưa quá rõ ràng).
Các chuyên gia SSI Research nói thêm, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, NHNN cũng đã đề cập đến việc những biến động trong việc huy dộng vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.