Tiền gửi vào ngân hàng đạt kỷ lục bất chấp lãi suất xuống đáy
Tổng tiền gửi vào ngân hàng đạt mức kỷ lục với 12,8 triệu tỷ đồng, bất chấp lãi suất huy động không ngừng giảm và hiện đã chạm đáy.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 12,8 triệu tỷ đồng. Đây là mức tiền gửi kỷ lục từ trước đến nay.
Trong đó, tiền của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng. Còn tiền của tổ chức kinh tế đạt 6,834 triệu tỷ đồng.
Dù lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm từ tháng 3/2023 đến nay và đang ở mức thấp kỷ lục, lượng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tăng liên tục.
Theo báo cáo tài chính quý IV/năm 2023, lượng tiền gửi vào các ngân hàng đều tăng mạnh so với năm 2022.
Chẳng hạn, Vietcombank có lượng tiền gửi trong năm 2023 đạt 1,395 triệu tỷ đồng, tăng thêm 152.200 tỷ đồng so với năm 2022.
Tại VPBank, tổng tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng này năm 2023 đạt hơn 442.368 tỷ đồng, tăng thêm 139.200 tỉ đồng so với năm 2022.
Trong khi đó, lãi suất huy động không ngừng giảm và hiện đã chạm đáy. Mặt bằng lãi suất được NHNN đánh giá thấp nhất trong 20 năm trở lại đây.
Tại Vietcombank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng; kỳ hạn 1 tháng còn 1,7%/năm.
Lãi suất huy động ở các ngân hàng tư nhân cũng sát với mức của các ngân hàng có vốn nhà nước.
Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lãi suất từ 6%/năm trở lên đối với tiền gửi kỳ hạn 18 tháng dần vắng bóng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, hiện chỉ còn một ngân hàng áp dụng mức lãi suất 5% trở lên đó là NCB. Đối với kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn một số ngân hàng áp dụng lãi suất từ 5% trở lên, trong đó, cao nhất là 5,5% tại NCB. Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất phổ biến từ 5,1-5,8%.
Cũng theo thông tin của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến hết 2023 đạt 13,7%. Như vậy, tín dụng tăng nhanh trong tháng cuối năm với tốc độ 2,5%, tương đương khoảng 300.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.