Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang tăng

9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã lên tới hơn 11% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi của toàn hệ thống đạt 13,8 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4% so với đầu năm.

Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 3,21% so với cuối năm 2021.

Trong đó, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,78 triệu tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 2,43% so với cuối năm 2021. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó. Trong tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 87.783 tỷ đồng. Hay tháng 7 liền trước, các tổ chức kinh tế cũng gửi tiền giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng 6. Sau 2 tháng liên tiếp tiền gửi của doanh nghiệp sụt giảm thì nay đã tăng trở lại.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang tăng - Ảnh 1

Bên cạnh đó, dữ liệu tiền gửi của cư dân cho thấy, đến cuối tháng 9/2022 quy mô tiền gửi của dân cư tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức gần 5,64 triệu tỷ đồng, tăng 6,38% so với cuối năm 2021.

Số liệu tiền gửi tăng trở lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian qua. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết trên thị trường đã vượt lên gần 10%/năm. Chẳng hạn tại GPBank, với kỳ hạn 13 tháng với khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên mức lãi suất được áp dụng là 9,95%/năm. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài và số tiền gửi lớn, ngân hàng tri ân khách hàng với mức lãi suất được áp dụng là 10%/năm.

Đối với VPBank, mức lãi suất 10%/năm được ngân hàng áp dụng tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, áp dụng từ 22/11. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng tăng lãi suất gần 10% như MSB là 9,9%/năm; VIB: 9,8%/năm; SCB: 9,75%; OceanBank: 9,5%/năm…

Đáng nói, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 tới nay. Điều này xảy ra ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã được đẩy cao hơn vùng trước COVID, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Như vậy, tiền gửi của toàn hệ thống đến hết tháng 9/2022 đạt 13,83 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,33% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng đã lên tới 11,05%. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2022, tính đến 30/9, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2021.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang tăng - Ảnh 2

Nhóm 10 ngân hàng có tiền gửi ngân hàng lớn nhất tính đến hết tháng 9 năm 2022 bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, HDBank và LienVietPostBank.

Dẫn đầu bảng xếp hạng tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm ngoái. Đứng sau lần lượt là Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,4 % và 2,4% so với cuối năm 2021.

Chỉ riêng lượng tiền gửi của ba "ông lớn" này đã chiếm đến 50% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng.

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ