Tìm vốn cho quy hoạch Thủ đô: Rất lo, nhưng có thể lo được
Cũng có thể áp dụng việc đổi dự án này cho dự án kia và cho khai thác quỹ đất nhất định và đầu tư vào hạ tầng.
Tuy là vấn đề lo lắng nhất, nhưng Hà Nội cũng đã tính kỹ và được Thủ tướng đồng ý cho áp dụng phương thức công - tư hợp doanh trong huy động nguồn lực tài chính cho quy hoạch Thủ đô.
KTS. Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được Chính phủ trình Quốc hội, sáng 2/6.
Thưa ông, bên cạnh chất lượng của đồ án thì vấn đề quản lý triển khai sau khi quy hoạch được duyệt, tình trạng buông lỏng quản lý, kỷ luật không nghiêm… cũng là vấn đề mà không chỉ đại biểu Quốc hội mới lo ngại khi thực hiện quy hoạch Thủ đô?
Khi mới về làm chủ tịch Hà Nội, tôi cũng rất bực mình là tại sao việc thực hiện quy hoạch lại có nhiều vấn đề như thế và khi xem lại thì thấy có nguyên nhân là do quy chế “ngày xưa” còn nhiều sơ hở.
Vì có những nội dung chưa chặt chẽ, chấp chới và thiếu toàn diện, nên khi thực thi nảy sinh vấn đề ở chỗ nào thì rất khó áp dụng quy chế để giải quyết. Cái chưa hoàn chỉnh này cũng là do tầm nhìn, do thực hiện chỉ là một phần thôi.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hà Nội chủ trì xây dựng quy chế để thực hiện quy hoạch mới này. Chúng tôi đã rà soát quy chế cũ để rút kinh nghiệm xây dựng quy định mới phù hợp với định hướng - mục tiêu đặt ra ở quy hoạch này, là xây dựng một thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững, bản sắc…
Ông có thể nói cụ thể hơn điểm mấu chốt đã được sửa đổi tại quy chế mới này?
Đó là những quy định cụ thể hơn nữa về tổ chức không gian kiến trúc ở trong quy hoạch chi tiết 1/500 của đồ án quy hoạch. Những quy định đó dựa trên cơ sở khoa học về thiết kế đô thị ba chiều, từ chiều cao, độ dài, chiều rộng và cả màu sắc của công trình... Chứ không như ngày xưa, chỉ quy định về mật độ xây dựng, nên ai muốn vẽ thế nào thì vẽ thoải mái.
Thứ hai là kỹ thuật phải đảm bảo quy chuẩn tiêu chuẩn về hạ tầng tổng thể của của cả mạng lưới hạ tầng, chứ không phải từng công trình một như ngày xưa.
Về màu sắc, quy chế cũ thì chỉ nói hài hòa, nay thì hài hòa là thế nào để đảm bảo mỹ quan chung thì phải rất cụ thể.
Với cương vị người đứng đầu chính quyền Thủ đô và góc nhìn của người kiến trúc sư, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của đồ án này?
Tất nhiên là khi xây dựng bất cứ đồ án nào thì một trong những quy định là phải đảm bảo tính khả thi. Thành phố Hà Nội khi tham gia với Bộ Xây dựng để chỉ đạo quy hoạch này thì đã phân tích rất kỹ những tồn tại. Đặc biệt, đưa ra ý tưởng nào thì đều phải tính đến tính khả thi.
Ví dụ dự báo khả năng dân số đến 10 triệu thì có dung nạp được hay không. Hà Nội rất nhiều lần nói với tư vấn về điều này, và tư vấn khẳng định là có khả năng đáp ứng được. Nhưng vẫn phải tính kỹ hơn để đảm bảo tính khả thi.
Vậy vấn đề nào của đồ án khiến ông lo ngại nhất khi tổ chức thực hiện?
Lo nhất là nguồn lực tài chính, cụ thể là cơ chế chính sách tạo nguồn lực này, nhất là tài chính cho hệ thống hạ tầng khung. Vì thông thường nguồn này thường do phân bổ từ ngân sách, nhưng ngân sách của mình thì có hạn thôi, nên phải xã hội hóa bằng nhiều hình thức như BT, BOT, rồi PPP (công - tư hợp doanh).
Vừa rồi Hà Nội đã đề nghị và Thủ tướng cũng đã đồng ý cho áp dụng hình thức PPP.
Chi phí cho giải phóng ở mặt bằng ở Thủ đô thường là rất cao, vậy Hà Nội có khai thác nguồn lực từ đất cho chính vấn đề này không?
Cũng có thể áp dụng việc đổi dự án này cho dự án kia và cho khai thác quỹ đất nhất định và đầu tư vào hạ tầng.
Thưa ông, với lộ trình thực hiện quy hoạch này thì ước chừng đến thời gian nào, những bất cập hiện nay của Thủ đô về giao thông và quản lý đô thị... có chuyển biến rõ nét?
Hà Nội hiện nay có rất nhiều bất cập, từ hạ tầng đến kỷ cương đô thị và rất nhiều vấn đề khác nữa. Đồ án đã đưa ra 8 định hướng chiến lược để giải quyết, có biện pháp trước mắt, có giải pháp lâu dài.
Ví như giải quyết ùn tắc giao thông thì phải tiếp tục cải thiện hệ số hạ tầng giao thông, tăng diện tích đường, điểm đỗ tĩnh, phân làn phân luồng…
Còn dài hạn thì phải rất đồng bộ như đẩy nhanh giao thông công cộng lớn, xây đường sắt trên cao, tàu điện ngầm.... Để vừa tăng diện tích giao thông, vừa giảm mật độ trong nội đô như kéo giãn cơ quan chính phủ, nhà máy, trường học, tạo thành khu đô thị mới bên ngoài, phấn đấu giảm đô thị lõi chỉ còn gần 1 triệu người thôi.
Nhưng thưa ông, khi đồ án còn chưa được phê duyệt thì giá đất ở một số vùng dự kiến là đô thị vệ tinh đã tăng chóng mặt. Liệu điều này có mâu thuẫn với chủ trương giãn dân ra ngoại thành hay không?
Đúng là sau khi đưa ra triển lãm đồ án quy hoạch thì bất động sản có biến động rất nhanh. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân thôi. Phần lớn giao dịch có dính đến đầu cơ, thậm chí có cả giao dịch giả để kích giá lên.
Biện pháp cho vấn đề này là sau khi đồ án được phê duyệt, thì phải thông tin rất rõ ràng về lộ trình thực hiện, để nhân dân và nhà đầu tư biết.
Thưa ông, không chỉ có Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mà nhiều ý kiến của khác của đại biểu và cử tri cũng lo ngại về “tính nhiệm kỳ” trong quy hoạch cũng như triển khai thực hiện của đồ án được xem là có ý nghĩa rất lớn này?
Không hề có “tính nhiệm kỳ” ở đồ án.
Theo quy chế quản lý quy hoạch thì cứ 5 năm điều chỉnh 1 lần, nhưng bản thân quy hoạch chung Hà Nội từ năm 1998 đến nay cũng chưa điều chỉnh toàn bộ mà chỉ điều chỉnh cục bộ thôi. Còn nay Hà Nội đã mở rộng, đã đến lúc phải quy hoạch chứ không tính đến đầu hay cuối nhiệm kỳ. Đây là cơ hội để để xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại như mong muốn của nhân dân cả nước.
Theo Minh Thúy
Vneconomy