Tín dụng ngân hàng khởi sắc có đáng lo?
Như con dao hai lưỡi, việc tín dụng ngân hàng tăng sẽ đi kèm với rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.
Ngân hàng sớm cạn room tín dụng được giao
Đầu năm, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Theo đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng đều giảm từ 1-2,5 điểm % so với năm trước. Duy nhất, hạn mức của Vietcombank tăng thêm 0,5 điểm % lên 10,5%, tương đương MB, BIDV và VietinBank cùng được cấp hạn mức 7,5%.
Techcombank là ngân hàng được giao hạn mức ban đầu cao nhất trong năm nay với mức 12%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%.
Phía NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.
Tuy nhiên, chưa hết quý 2/2021, một số ngân hàng đã có dấu hiệu ‘cạn’ room tín dụng.
Theo tờ Người Đồng Hành từng đăng tải thông tin, một ngân hàng trong top 5 nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống đang có dấu hiệu giải ngân chậm hơn. Nguyên nhân vì ngân hàng thông báo đã hết "room" tín dụng.
Một ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trong năm 2020, một nhân viên tín dụng chia sẻ ngân hàng phải kiểm soát “room” liên tục, tránh vượt hạn mức. Một nguồn tin cũng cho biết ngân hàng MB rơi vào tình trạng tương tự, khi tăng trưởng tín dụng đã chạm ngưỡng được NHNN giao.
Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nhờ sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi, một số ngân hàng tư nhân được báo cáo là đã đạt mức trần tăng trưởng tín dụng ngay sau khi kết thúc quý 1/2021.
Theo NHNN, tín dụng tới ngày 16/4 tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn mức 2% tính tới cuối tháng 5/2020. Như vậy, bất chấp dịch bệnh bùng phát trở lại, tín dụng vẫn tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47%.
Tại thời điểm 31/3/2021, tiền gửi khách hàng tại loạt ngân hàng giảm nhẹ so với đầu như tiền gửi khách hàng tại ACB giảm 0,3%; Vietcombank (giảm 0,6%); SHB (giảm 1%); Viet capital bank (giảm 6,6%); PGBank (giảm 2%);…
Đáng lưu ý, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) cho biết, tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động, khiến thanh khoản hệ thống nhiều khả năng không còn dư thừa nhiều như năm 2020.
Nguy cơ nợ xấu tăng
Việc tín dụng tăng cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.
Thống kê số liệu tài chính của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2021 có tới 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh quanh mức 30%.
Trong số các ngân hàng đang niêm yết, 17 ngân hàng có sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình từ 0,05 đến 0,1%. Đáng chú ý là ngân hàng ACB, Vietcombank và HDBank có mức tăng lần lượt là 0,32, 0,26 và 0,19%.
ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) ở một số ngân hàng tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021.
Tuy nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn bất ngờ nhảy vọt cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Chẳng hạn, nợ cần chú ý tại Sacombank lại đang tăng chóng mặt lên mức 1.364 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức 787 tỷ đồng, tương đương tăng 73%. Nợ cần chú ý tại Vietcombank cũng tăng 50% so với đầu năm, lên 4.190 tỷ đồng.
Tương tự, nợ cần chú ý tại VIB tăng 63%; tại TPBank đã tăng 34%; tại MSB đã tăng 29% lên 1.262 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý 1/2021, bên cạnh lãi dự thu đi ngang hoặc giảm nhẹ tại một số ngân hàng thì hầu hết vẫn tiếp tục tăng ở mức cao như lãi dự thu của NamABank tăng 25%, Vietcombank và ABBank tăng 17%, VIB tăng 11%, SHB tăng 29%, Saigonbank tăng 15%, ngân hàng Quốc dân tăng 21%,…cho thấy mức lãi dự thu trong tổng thu nhập của các ngân hàng còn khá lớn.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích, NHNN đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất. Theo vị chuyên gia này, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng lên mức 2,5 - 3% cuối năm 2021 cùng với trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng.
Thời điểm cuối năm 2020, ông Jacques Morriset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng từng nhận xét, nợ xấu của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng.