Lãi suất huy động ngân hàng trong tháng 6 có nhiều biến động

Trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy sang chứng khoán và tín dụng tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn, nhiều ngân hàng thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động tháng 6/2021 rục rịch nhích nhẹ

Sang tháng 6/2021, biểu lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng tại một số kỳ hạn.

Cụ thể, tại SHB, biểu lãi suất tiền gửi điều chỉnh tăng từ 0,1-0,3 điểm % so với trước đó. SHB chủ yếu tăng lãi suất gửi kỳ hạn dài như 12 tháng lên mức 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm (tùy từng khoản tiền gửi của khách hàng)…

Tương tự, Sacombank cũng vừa áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới, tăng từ 0,1 - 0,2 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng được hưởng lãi suất 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng nhận lãi 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lãi 5%/năm…

Các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất gửi dài hạn lên cao nhất 6,4%/năm với kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất huy động tại Sacombank.  
Lãi suất huy động tại Sacombank.  
Đặc biệt, tại Techcombank, ở các kỳ hạn 1-2 tháng; 6-11 tháng và 12-35 tháng lãi suất tiết kiệm đều  tăng 0,65 - 0,9 điểm % so với trước. Cụ thể, khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm từ 3 tỉ đồng trở lên kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất 2,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4,6%/năm; kỳ hạn 12-35 tháng là 5,2%/năm…

Trong khi đó, tại biểu lãi suất mới nhất, TPBank bổ sung thêm gói tài khoản Đắc lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang huy động vốn với lãi suất cao như: OCB với lãi suất ở mức 8,2%. Mức lãi suất này được duy trì không đổi so với tháng trước. Để được hưởng mức lãi suất cao như vậy, khách hàng cần có số tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 12 tháng.

Tại ACB, lãi suất tiết kiệm tháng 6/2021 cao nhất ở mức 7,4%/năm, MSB lãi suất 7%/năm; LienVietPostBank lãi suất 6,99%/năm; HDBank và Sacombank cùng có lãi suất là 6,95%/năm,…

Đáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombankcó mức lãi suất huy động thấp hơn so với mặt bằng chung. 

Ngân hàng BIDV, Agribank và Vietinbank cùng huy động vốn với mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm được áp dụng tại nhiều kỳ hạn gửi. Riêng Vietcombank có lãi suất thấp hơn, ấn định ở mức 5,6% cho khoản tiết kiệm gửi tại kỳ hạn 12 tháng.

Lãi suất huy động ngân hàng trong tháng 6 có nhiều biến động - Ảnh 1

Tăng để níu chân khách hàng

Tính đến 31/3/2021, một số ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi khách hàng. Trong đó có sự góp mặt của cả những "ông lớn".

Chẳng hạn, tiền gửi khách hàng tại BIDV hiện nhiều nhất hệ thống với gần 1,23 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ so với đầu năm.

“Ông lớn” Vietcombank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm còn hơn 1 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi tại Vietcombank sụt giảm do tiền gửi vốn chuyên dùng giảm 13% xuống còn 23.900 tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn cũng giảm nhẹ so với đầu năm.

Cùng hoàn cảnh, ACB cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,3%, ở mức 352.218 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn của ACB  giảm 7% xuống còn 55.774 tỷ đồng. 

Tương tự, tiền gửi khách hàng tại SHB giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 300.654 tỷ đồng do tiền gửi không kỳ hạn giảm 13% so với đầu năm, xuống còn hơn 24.527 tỷ đồng. Hơn nữa, cho vay các TCTD khác giảm 84% xuống còn 15 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng nhẹ 2% đạt 310.690 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng giảm như Viet capital bank giảm 6,6%; ABBank giảm 0,7%; Ngân hàng Quốc Dân giảm 1%.

Sự sụt giảm về số dư tiền gửi khách hàng trong quý đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng cho thấy sức hút của kênh gửi tiền ngân hàng đang giảm khi lãi suất tiền gửi đã chạm đáy suốt thời gian dài.

Chính vì vậy, động thái điều chỉnh lãi suất huy động tăng tại một số kỳ hạn ở vài ngân hàng có thể nhằm giữ chân khách hàng do dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, bất động sản; tín dụng tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn,…

Đáng chú ý, một số chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi mới diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng thương mại, tùy theo kỳ hạn chứ chưa phải là xu hướng chung của các ngân hàng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ