Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ xấu, lãnh đạo VIB mua 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP

Tuần qua, hàng loạt tin ngân hàng như: Ngân hàng Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ của Nông trường Sông Hậu từ 350 tỷ xuống 98,5 tỷ đồng;...

Ngân hàng Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ của Nông trường Sông Hậu từ 350 tỷ xuống 98,5 tỷ đồng

Tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là sự kiện Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ nợ của Nông trường Sông Hậu thành phố Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu) từ 350 tỷ xuống 98,5 tỷ đồng

Theo đó, tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 30/3/2021 đến khi Nông Trường Sông Hậu thanh toán hết nợ gốc tiền vay.

Khoản vay có tài sản bảo đảm của Nông Trường Sông Hậu tại Agribank chi nhánh Thành phố Cần Thơ theo 4 hợp đồng cấp tín dụng được ký vào các năm 2000, 2001, 2003 giữa Agribank và Nông Trường Sông Hậu.

Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 30/3/2021 là gần 349 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 97 tỷ và nợ lãi hơn 252 tỷ đồng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ xấu, lãnh đạo VIB mua 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP - Ảnh 1
Agribank hạ giá khoản nợ của Nông trường Sông Hậu từ 348,8 tỷ xuống còn 98,5 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa Agribank chi nhánh TP Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu.

Tài sản đảm bảo còn gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Cần Thơ cấp ngày 24/3/1999 và quyết định số 710 về việc giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Nông Trường Sông Hậu ngày 23/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, cùng một số các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

Ngân hàng Agribank chào giá khoản nợ với khởi điểm 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ. Từ cuối tháng 4/2022, Agribank đã nhiều lần đưa khoản nợ này ra đấu giá nhưng bất thành. Sau nhiều lần được đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ hạ từ 348,8 tỷ đồng trong lần đầu tiên, xuống 228,9 tỷ trong các lần tiếp theo và hiện giảm xuống còn 98,5 tỷ đồng.

Ngân hàng OCB được chấp thuận tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố nhận được công văn số 3479/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.

Theo phương án phát hành ESOP ngày 12/01/2022, Ngân hàng phát hành 5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25%.

Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 được tổ chức hồi cuối tháng 4, OCB cũng thông qua việc phát hành 413 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ là 30%.

Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện đợt phát hành này trong năm 2022.

Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của OCB sẽ đạt 17.885 tỷ đồng.

Lãnh đạo VIB mua hơn 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP

Ngoài các tin ngân hàng trên, trong tuần qua Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố, có 5 lãnh đạo VIB (HoSE: VIB) đã nhận cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động của công ty (ESOP). Thời gian thực hiện các giao dịch là 30/5.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ xấu, lãnh đạo VIB mua 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP - Ảnh 2
Tổng hợp giao dịch cổ phiếu ESOP của lãnh đạo VIB đã được công bố trên HoSE.

Ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban pháp chế và quản trị doanh nghiệp nhận nhiều cổ phiếu nhất với 222.222 cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu lên 0,219%, tương ứng với hơn 4,62 triệu cổ phiếu. Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban dịch vụ công nghệ với tổng lượng giao dịch cổ phiếu ESOP là 217.365 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,135%, tương đương 2,84 triệu cổ phiếu.

Kế toán trưởng VIB là bà Phạm Thị Minh Huệ nhận 202.218 cổ phiếu thưởng, nâng tỷ lệ sở lên 0,013%, tương đương với 266.360 cổ phiếu. Ông Hồ Văn Long, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban dịch vụ tài chính mua 193.365 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,436%, tương đương với 9,18 triệu cổ phiếu.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT nhận 28.857 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 0,207%, tương ứng với 4,37 triệu cổ phiếu.

VIB cho biết số lượng, tỷ lệ cố phiếu nắm giữ trước và sau khi thực hiện giao dịch của các giao dịch trên đã bao gồm cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% đang chờ về.

Ngân hàng chính sách xã hội được cấp 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất các khoản vay

Ngày 30/5, Chính phủ ban hành Nghị định số 36 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để ngân hàng này cho vay theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị định nêu rõ khách hàng vay vốn được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Thứ nhất, khách hàng vay có khoản vay thuộc các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo: Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng; văn bản ủy thác của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội, hội, tổ chức phi Chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước; hiệp định, hợp đồng vay lại từ nguồn vốn ODA và ưu đãi nước ngoài; thỏa thuận tài trợ nước ngoài khác.

Thứ hai, các khoản vay có lãi suất vay vốn trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân, có phát sinh dư nợ trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất. Khách hàng vay vốn đúng đối tượng vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định.

Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất là từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023 hoặc khi Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo kết thúc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tùy theo thời điểm đến trước.

Thời gian vay được hỗ trợ lãi suất xác định từ thời điểm giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc nhưng không nằm ngoài thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ xấu, lãnh đạo VIB mua 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP - Ảnh 3

Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là 2%/năm tính trên số dư nợ vay của các khoản giải ngân được giải ngân trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất và thời gian vay được hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách. Ngân sách Nhà nước bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa là 3.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng, không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với dư nợ quá hạn hoặc được gia hạn nợ.

Về phương thức hỗ trợ lãi suất, ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và thực hiện chi trả số tiền hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng theo quy định.

Mỗi tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tính số tiền lãi được hỗ trợ và giảm trừ vào số tiền lãi phải trả của khách hàng vay vốn.

Ngân hàng UOB Việt Nam có tổng giám đốc mới

Cụ thể, ngày 1/6, Ngân hàng UOB Việt Nam công bố bổ nhiệm ông Victor Ngo giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Ông Victor Ngo là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng với hơn 30 năm kinh nghiệm. Ông đã gia nhập Ngân hàng UOB từ năm 2004 và giữ chức vụ Giám đốc Khối Tuân thủ của tập đoàn UOB từ năm 2017 đến năm 2022. Trước đó, ông cũng đã dẫn dắt Khối Kiểm toán của tập đoàn từ năm 2006.

Trước khi gia nhập UOB, ông Victor Ngo đã có thời gian làm việc tại Singapore và Úc cho một ngân hàng toàn cầu trong 17 năm.

Lãi trước thuế ngân hàng Techcombank tăng 10,7% năm 2022

Tin ngân hàng cuối cùng gây chú ý tới thị trường tài chính tuần qua là thông tin Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng Techcombank đạt 25.717 tỷ đồng, tăng trưởng 10,7% so với năm trước, và đạt 30.731 tỷ đồng vào năm 2023.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank đến từ nhiều nguồn khác nhau, cả từ hoạt động tín dụng, dịch vụ cũng như đầu tư chứng khoán.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Agribank ‘sale’ mạnh khoản nợ xấu, lãnh đạo VIB mua 864.000 cổ phiếu thưởng ESOP - Ảnh 4

Ngoài ra, ACBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới hạn mức tín dụng cho Techcombank trong tháng 6 và kỳ vọng năm 2022 tăng trưởng tín dụng đạt 20,4%, thấp hơn so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ phê duyệt là 25%. Nhu cầu tín dụng vân ở mức cao nhờ lãi suất cho vay vẫn đang ở mức thấp.

Đối với hoạt động ngoài lãi, ACBS cho rằng năm 2022 Techcombank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì thu nhập từ các hoạt động này. Thu nhập từ phí phát hành có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc Chính phủ siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty bất động sản, chiếm 50% tổng thu phí và 9% lợi nhuận trước thuế. Vì vậy tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng có thể bị chậm lại.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán chứng khoán, chủ yếu là trái phiếu chính phủ cũng được dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm 2022.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ