Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng: Vietcombank 'hụt hơi', vị trí Top 3 vào tay ngân hàng tư nhân

Cuộc đua hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt. Năm 2021, ngân hàng tư nhân bứt tốc khiến 'ông lớn' quốc doanh Vietcombank mất Top 3 về tỷ lệ CASA.

Nhằm giảm bớt lệ thuộc nguồn thu từ tín dụng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh tăng thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, bancassurrance...; cùng với đó là xem xét tối giảm chi phí, bao gồm chi phí huy động vốn.

Nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm, được xem là một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu.

Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc để tiền trong ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn, cùng với đó là sự nổi lên các kênh đầu tư sinh lời khác như chứng khoán, bất động sản,... với hiệu suất sinh lời cao, "miếng bánh" thị phần CASA đang ngày càng cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Trong năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn giữ vị trí đầu bảng từ trước đến nay nhưng có một số ngân hàng đã hụt hơi.

Cụ thể, tính đến 31/12/2021 nguồn vốn giá rẻ tại Techcombank đạt mức 147.861 tỷ đồng, tỷ lệ CASA của Techcombank đứng đầu toàn ngành với mức 47%. Đây được xem là thành quả của Techcombank khi có lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2020 cao gấp 12 lần so với các khách hàng không dùng ngân hàng điện tử và luôn duy trì mức tăng cao dần trong nhiều năm qua.

Xếp thứ hai là MBBank với tỷ trọng CASA từ 37% lên 44,6%. Trong cuộc chạy đua giữa các ngân hàng, MBBank cũng không ngừng đổi mới sáng tạo khi ứng dụng thành công MB App trên điện thoại. Mặt khác, ngân hàng này còn tung ra chương trình tài khoản số đẹp và thu hút một lượng lớn người tham gia.

Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng: Vietcombank 'hụt hơi', vị trí Top 3 vào tay ngân hàng tư nhân - Ảnh 1

Đáng chú ý, top 3 về tỷ lệ CASA năm 2021 đã không còn thuộc về Vietcombank.

Tính đến 31/12/2021, tiền gửi của khách hàng tại 'ông lớn' Vietcombank tăng 10%, đạt 1,135 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 20% lên mức 367.149 tỷ đồng. Đây là một trong những yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận của Vietcombank. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA tại Vietcombank chỉ cải thiện thêm 2,6 điểm%, từ 29,8% lên 32,3%.

Theo đó, ngân hàng MSB đã chính thức soán ngôi Vietcombank trở thành ngân hàng tư nhân tiếp theo có tỷ lệ CASA tăng vọt từ 26,4% lên 36%., tương đương tăng thêm 7,6 điểm%. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, tại thời điểm 31/12/2021, tiền gửi khách hàng tại MSB tăng 8% lên hơn 94.616 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng 39% lên hơn 32.165 tỷ đồng.

Nếu xét về quy mô, Vietcombank vẫn đứng đầu toàn ngành khi số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 367.149 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại Vietcombank.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại Vietcombank.
Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng: Vietcombank 'hụt hơi', vị trí Top 3 vào tay ngân hàng tư nhân - Ảnh 2

Có thể thấy, tỷ lệ CASA của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) không thay đổi quá nhiều trong năm vừa qua. Song hầu hết ngân hàng tư nhân đều có mức tăng cao hơn các 'ông lớn' trên.

Chẳng hạn tỷ lệ CASA tại ngân hàng ACB tăng từ 21% hồi đầu năm lên 24,8%, tương đương tăng thêm 3,9 điểm%; VIB tăng từ 11,9% lên 16%, tương đương tăng 4,2 điểm%; VPBank tăng từ 15,2% lên 22%, tương đương tăng 6,7 điểm%;... Trong khi tỷ lệ CASA tại BIDV chỉ tăng thêm 1,3 điểm% đạt 19,4%; Vietinbank tăng thêm 0,6% đạt 19,4%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ