Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Techcombank 'lĩnh' hơn 600 tỷ đồng cổ tức từ TCBS, lợi nhuận Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng
Tuần đầu tiên của năm 2022 đã khép lại ghi nhận loạt thông tin đáng chú ý như: Techcombank nhận hơn 600 tỷ đồng cổ tức từ TCBS; lợi nhuận Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng năm 2021; SHB nâng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng;...
Techcombank nhận hơn 600 tỷ đồng cổ tức từ TCBS ngay ngày đầu năm
Ngày 7/1/2022, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) có quyết định phê duyệt ngày chi trả cổ tức theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2020.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ hồi giữa tháng 11 năm trước, TCBS đã thống nhất mức chi trả cổ tức năm 2020 là 60,08%. Toàn bộ cổ tức trên đều chi trả bằng tiền mặt.
Với mức vốn điều lệ 1.124 tỷ đồng, TCBS dự kiến chi trả hơn 675 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này. Trong đó, ngân hàng mẹ của TCBS là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) hiện sở hữu 88,95% vốn, sẽ nhận về khoảng hơn 600 tỷ đồng.
Nguồn vốn chi trả được lấy từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Tại thời điểm cuối năm 2020, phần lợi nhuận chưa phân phối của TCBS là 4.832 tỷ đồng. ự thăng hoa của thị trường chứng khoán năm 2021 cùng sự bứt phá về thị phần môi giới của TCBS (lọt vào top 10 thị phần môi giới năm và đứng vị trí thứ 6 trên sàn HoSE), kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán này cũng tăng trưởng mạnh. Phần lợi nhuận giữ lại đến ngày 30/9/2021 đã tăng lên 7.109 tỷ đồng.
Lợi nhuận Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng năm 2021
Trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết Ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 mặc dù bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm, huy động vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%. Trong đó, gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng "Tam nông".
Lợi nhuận Agribank năm 2021 đạt hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời Ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
SHB nâng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng
Ngày 31/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản xác nhận kết quả chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Theo đó, SHB đã chào bán thành công hơn 539 triệu cổ phiếu – chiếm tỷ lệ 100% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán; qua đó nâng vốn điều lệ lên mức hơn 26.674 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 22/04/2021, ĐHĐCĐ SHB năm 2021 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng qua chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cp.
Được sự chấp thuận của NHNN và UBCKNN về việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, trước đó SHB đã hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 và đến nay tiếp tục hoàn thành chào bán hơn 539 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, chiếm tỷ lệ 100% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán. Như vậy, SHB đã thực hiện phát hành thành công hơn 741 triệu cổ phiếu như ĐHĐCĐ đã đề ra.
Tăng trưởng tiền gửi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 6,58% so với cuối năm 2020.
Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,63% so với đầu năm, tương đương tăng 372.395 tỷ đồng.
Tiền gửi dân cư tăng 3,08% lên hơn 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 158.504 tỷ đồng so với đầu năm. Tính riêng trong tháng 10, tiền gửi dân cư tăng nhẹ trở lại so với tháng trước đó.
Song, số liệu cho thấy tăng trưởng tiền gửi dân cư và các TCKT 10 tháng đầu năm đều ở mức thấp nhất kể từ 2012 đến nay, lần lượt là 3,1% và 7,6%.
Lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền vào ngân hàng. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, so với cuối năm 2020, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng tới cuối năm 2021 đang giảm lần lượt 0,27 và 0,28 điểm %.
Ngân hàng siết cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng phải hướng dòng vốn tín dụng năm 2022 vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, hạn chế tín dụng "đen".
Đối với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải kiểm soát chặt, tuy nhiên vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực.
Hiện, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; đồng thời cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm; điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn.
Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi, các tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do lĩnh vực này được dự báo có mức độ rủi ro tăng cao nhất.