Lãi suất tiết kiệm ngân hàng tháng 1/2022 biến động ra sao?
Tháng đầu tiên năm 2022, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh, cao nhất lên tới trên 10%/năm.
Tháng đầu tiên năm 2022, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh, cao nhất lên tới trên 10%/năm.
Tháng đầu tiên của năm 2022, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã có điều chỉnh so với tháng trước.
Điển hình tại VPBank, khách hàng được nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên VPBank NEO. Cụ thể, gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên tại VPBank, lãi suất tháng đầu từ 10-10,6%/năm và các tháng sau từ 5-5,3%/năm. Đây đang là mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống.
Chương trình nhân đôi lãi suất này được VPBank áp dụng cho khách hàng gửi mới chỉ từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng trở lên.
Ngoài VPBank còn có những cái tên quen thuộc như SCB, Techcombank, ACB với lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm.
Cụ thể, tại Techcombank có mức lãi suất tiết kiệm là 7,1%/ năm với điều kiện áp dụng là khách hàng phải đăng ký khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ACB là 7,1%/năm với điều kiện phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng
Điển hình nhất tại SHB, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 1/2022 có sự thay đổi ở mức 7,2%/năm dành cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Phát lộc đợt 1 năm 2021 kỳ hạn 8 năm. Cũng với sản phẩm này kỳ hạn 6 năm, lãi suất huy động tại SHB là 7%/năm.
Cũng không kém cạnh, tại SCB áp dụng lãi suất 7,6%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng MSB với mức lãi suất hiện được huy động ở mức là 7%/năm với điều kiện số tiền gửi của khách hàng phải từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.
Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng khác trên 6%/năm như: LienVietPostBank (6,99%/năm), MBBank và VietABank (6,9%/năm), Viet Capital Bank (6,7%/năm), Bac A Bank (6,7%/năm), Sacombank (6,6%/năm), Eximbank (6,3%/năm), TPBank (6,3%/năm)...
Như vậy, lãi suất tiết kiệm tháng 1/2022 tại một số ngân hàng tăng nhẹ từ 0,1% - 0,3%/năm tại nhiều kỳ hạn so với tháng trước.
Tháng 1/2022 này, lãi suất huy động của 3 “ông lớn” ngân hàng là Agribank, BIDV và Vietinbank tiếp tục không có sự biến động so với trước. Duy nhất “ông lớn" Vietcombank có sự điều chỉnh nhỏ tại các kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, Vietcombank có một số sự điều chỉnh giảm nhẹ tại các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 3 tháng với cùng mức giảm là 0,1 điểm % cho mỗi kỳ hạn. Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện đang được niêm yết ở mức là 5,5%/năm và dành cho kỳ hạn 12 tháng.
Có thể thấy, bước sang năm 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh. Tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến khung lãi suất huy động của hệ thống.
Báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động tiền gửi trực tuyến với lãi suất gửi tiền online thường cao hơn gửi tại quầy từ 0,2-0,3%/năm. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động năm qua vẫn liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Theo BVSC, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm và đi ngang trong nhiều tháng. Tính chung 10 tháng năm 2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 3,08% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%. Con số này phản ánh một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Hà Phương