Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47%

Tuần qua, nhiều tin ngân hàng gây chú ý như: Ngân hàng nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % từ ngày 23/9; Tín dụng tính đến 16/9 tăng 10,47%; PG Bank miễn nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc;...

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành

Tin ngân hàng đầu tiên gây chú ý tuần qua là sự kiện tăng lãi suất điều hành. Theo đó, ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% so với mức lãi suất cũ.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% - Ảnh 1

Cụ thể, theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN, hai loại lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5%/năm và 3.5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Quyết định số 1606/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/09/2022 và thay thế Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30/09/2020 của Thống đốc NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Còn theo Quyết định số 1607/QĐ-NHNN, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn tương đương 5.5%/năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0.2%/năm lên 0.5%/năm.

Quyết định số 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/09/2022 và thay thế Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/09/2020 của Thống đốc NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014.

Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.

Tính đến 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47%

Ngày 23/9, NHNN đã họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022. Thông tin tại họp báo, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Nói thêm về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục đặt ra con số mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2022 và có thể xem xét điều chỉnh nếu cần thiết. “Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm, nên hiện nay NHNN vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%”.

Việc điều hành chính sách tín dụng không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề hiệu quả cho năm 2023 bởi theo lãnh đạo NHNN, năm tới dự báo cũng sẽ là một năm khó khăn và nhiều áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ.

Lộ diện room tín dụng mới của 18 ngân hàng

Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, HDBank, VIB, Agribank...

"Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường", báo cáo của Vndirect cho biết.

18 NHTM được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo ước tính của nhóm chuyên gia, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm – tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN.

Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế.

Sau điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, HDBank dẫn đầu với hạn mức tín dụng lên tới 18,4% trong năm 2022. Tiếp theo là MBBank và VietcomBank với lần lượt là 18,2% và 17,7%.

HDBank, MBBank và VietcomBan đều là các ngân hàng có lợi thế khi tham gia nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém.

9 trong số 18 ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng sau điều chỉnh giao động trong khoảng từ 10% - 11%.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% - Ảnh 2

Một trong những tin ngân hàng đáng quan tâm tuần qua là việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã liên tục phát đi thông báo thay đổi nhân sự trong thời gian gần đây.

Mới đây nhất, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng miễn nhiệm bà Đỗ Thị Đức Minh kể từ ngày 19/9 do nhận được đơn xin nghỉ việc của bà Minh. Bà Minh sẽ không còn đảm nhận các chức danh tại PG Bank bao gồm Phó Tổng Giám đốc, Người phụ trách quản trị, Thư ký HĐQT, Chánh văn phòng HĐQT, Thành viên Uỷ ban quản lý rủi ro.

Ngày 12/9, HĐQT PG Bank cũng chấp thuận nguyện vọng thôi đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc ngân hàng của ông Nguyễn Mạnh Hải. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/9.

Trước đó, ngày 10/8, ngân hàng đã nhận được đơn xin từ nhiệm của Thành viên Ban kiểm soát, bà Trần Vân Hương với lý do cá nhân nên xin phép không thực hiện nhiệm vụ Thành viên BKS từ ngày 1/9.  

Ở chiều ngược lại, PG Bank bổ nhiệm bà Lê Phương Thanh Tùng làm Người phụ trách quản trị ngân hàng kể từ ngày 19/9 cho tới khi có thông báo mới. Trước đó, bà Lê Phương Thành Tùng giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách phòng Marketing và phát triển thương hiệu. 

Biến động nhân sự cấp cao tại PG Bank diễn ra trước thềm cổ đông lớn của ngân hàng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sắp thoái vốn tại ngân hàng này. 

Vào tháng 7, Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông lớn Petrolimex tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý III, tuy nhiên đến nay kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% - Ảnh 3

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, cổ đông PG Bank đã thông qua việc điều chỉnh tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên UPCoM từ 30% về 2% vốn điều lệ PG Bank.

Mục đích của việc điều chỉnh này là nhằm đảm bảo đợt chào bán ra công chúng của cổ đông lớn Petrolimex không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Mức room này sẽ được áp dụng cho tới khi Petrolimex nhận được công văn từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trả lời về kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Tập đoàn.

Vào thời điểm cuối năm 2021, khoản đầu tư vào PG Bank của Petrolimex có giá trị gần 1.673 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ sở hữu 40,57%. 

SeABank phát hành 59,4 triệu cổ phiếu ESOP, giá 15.000 đồng/cp

Sự kiện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã: SSB) thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cũng là tin ngân hàng nổi bật tuần qua.

Cụ thể, ngân hàng phát hành 59,4 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị là 594 tỷ dồng với tỷ lệ phát hành là 2,99% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu là từ ngày 23/9/2022 đến 3/10/2022.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng sau một năm kể từ thời điểm hoàn tất đợt phát hành, tối đa 50% tổng số lượng cổ phiếu theo chương trình này được phép tự do chuyển nhượng. Sau hai năm kể từ thời điểm hoàn tất đợt phát hành, tối đa 100% tổng số cổ phiếu sở hữu theo chương trình này được phép tự do chuyển nhượng.

Diễn biến cổ phiếu SSB vài tháng gần đây.
Diễn biến cổ phiếu SSB vài tháng gần đây.

Mới đây, SeABank đã chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2022.

Việc tăng vốn được thực hiện sau hai đợt phát hành cổ phiếu của ngân hàng. Cụ thể, SeABank đã phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức và phát hành thêm 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng cũng vừa thực hiện xin ý kiến cổ đông về việc sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi khoản vay từ tổ chức tài chính quốc tế IFC, giá trị khoản vay dự kiến là 75 triệu USD.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, cổ đông ngân hàng đã thông qua phương án tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng trong năm.

 

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ