Tỉnh có 2 sân bay sẽ lên TP trực thuộc Trung ương sở hữu hệ thống cầu kết nối đồ sộ bậc nhất Việt Nam

Địa phương ở Đông Nam Bộ sẽ sở hữu hệ thống cầu kết nối với thành phố lớn giáp ranh là TP. HCM cùng các địa phương lân cận.

Địa phương ở Đông Nam Bộ sẽ sở hữu hệ thống cầu kết nối với thành phố lớn giáp ranh là TP. HCM cùng các địa phương lân cận.

Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều cầu kết nối với TP. HCM và các tỉnh giáp ranh.

Theo đó, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ kết nối với TP. HCM thông qua 3 cây cầu gồm: Cầu Phúa Mỹ 2 kết nối đường 25C với đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); cầu Đồng Nai 2 nối đường Vành đai 3 TP. HCM; cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái.

Với tỉnh giáp ranh phía Tây Bắc của Đồng Nai là Bình Dương sẽ có 4 cây cầu đường bộ kết nối gồm cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân, cầu Thạnh Hội 2.

Phối cảnh cầu Cát Lái. Ảnh: Internet  
Phối cảnh cầu Cát Lái. Ảnh: Internet  

Phía Đông Bắc tỉnh Đồng Nai giáp Lâm Đồng sẽ triển khai 2 cây cầu là cầu Đắc Lua 2, cầu Mỏ Vẹt vượt sông Đồng Nai kết nối với huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh.

Với khu vực phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai sẽ kết nối với địa phương này bằng cầu Suối Lớn với quy mô 4 làn xe. Cây cầu này sẽ kết nối đến huyện Đức Linh của tỉnh Bình Thuận. 

Với tổng cộng 10 cây cầu kết nối với các địa phương lân cận, hệ thống giao thông của tỉnh Đồng Nai tiếp tục được nâng tầm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Cùng với hệ thống cầu kết nối đồ sộ, quy hoạch tỉnh Đồng Nai vừa được phê duyệt cũng định hướng hạ tần giao thông đường bộ của địa phương được phát triển dựa trên 6 hành lang và 3 vành đai.

6 hành lang gồm: Hành lang sông Đồng Nai, hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 51, hành lang cao tốc TP. HCM - Long Thành - Phan Thiết, hành lang Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam, hành lang Quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, hành lang cao tốc Bến Lức - Long Thành.

3 vành đai gồm: Vành đai 4 vùng TP. HCM, Vành đai quốc lộ 56 - đường tỉnh 762 và vành đai liên kết Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai hứa hẹn phát triển bậc nhất tại Việt Nam. Ảnh: AI minh họa  
Hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai hứa hẹn phát triển bậc nhất tại Việt Nam. Ảnh: AI minh họa  

Sau năm 2030, tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển hệ thống đường sắt kết nối địa phương cũng như kết nối liên vùng. Với đường sắt kết nối trong tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường sắt đô thị trung tâm hành chính mới - sân bay Biên Hòa; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh; tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Cẩm Mỹ - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị sân bay Biên Hòa - sông Đồng Nai (kết nối đến tỉnh Bình Dương).

Đối với đường sắt kết nối vùng, tỉnh sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và đầu tư xây mới tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. HCM - Nha Trang, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Đồng thời, tỉnh tiến hành nghiên cứu, đầu tư mới tuyến đường sắt kết nối từ đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đến cảng Phước An.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics… để đồng bộ, tạo liên kết vùng và khai thác tối đa tiềm năng của siêu sân bay Long Thành khi sân bay này đi vào vận hành trong năm 2026.

Hiện tại, Đồng Nai cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng khu công nghiệp trên cả nước với 33 khu công nghiệp đã được thành lập, tổng diện tích đất 10.514ha.

Tỉnh cũng đang triển khai 2 dự án sân bay là sân bay Biên Hòa được định hướng khai thác lưỡng dụng và "siêu sân bay" Long Thành - sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam.

Chi Chi

Theo Chất lượng và Cuộc sống