Tỉnh duy nhất Việt Nam có nhiều thành phố hơn huyện
Với một thành phố mới được thành lập vào tháng 3, tỉnh này cũng trở thành địa phương có nhiều thành phố trực thuộc nhất cả nước.
Tỉnh duy nhất có nhiều thành phố nhiều hơn huyện
Giữa tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt thành lập TP. Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Như vậy, tỉnh này hiện có 5 thành phố (Bến Cát, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An) và 4 huyện (Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên), trở thành địa phương có nhiều thành phố trực thuộc nhất cả nước, cũng là tỉnh duy nhất mà số thành phố nhiều hơn số huyện.
Trong đó, TP. Bến Cát được thành lập trên cơ sở thị xã Bến Cát, rộng hơn 234km2, gần 364.600 dân. Thành phố này gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần TP.HCM, phía Nam giáp TP. HCM và một phần tỉnh Đồng Nai. Theo Tổng cục Thống kê, Bình Dương có 2,7 triệu dân. Đây là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2022 với hơn 8 triệu đồng mỗi tháng.
Khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ít ai nghĩ rằng Bình Dương sẽ vượt lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Bình Dương khi đó chỉ là một tỉnh thuần nông, người dân nhiều đời gắn bó với ruộng đồng, cây trái. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé. Tuy nhiên, từ thời khắc lịch sử, Ngày tái lập tỉnh (01/01/1997), Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương đổi mới, được cụ thể hóa bằng những chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Nhiều địa điểm du lịch mang tính văn hoá, lịch sử
Không chỉ ấn tượng bởi kinh tế phát triển, năng động, vùng đất Bình Dương xưa và nay còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hóa phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều nét chung hòa quyện vào lịch sử - văn hóa phương Nam nhưng vẫn giữ được những nét riêng rất độc đáo, tạo ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân.
Các địa điểm vui chơi, tham quan nổi tiếng ở Bình Dương:
Làng gốm sứ Lái Thiêu
Nếu như gốm Sài Gòn có thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì sang đến gốm Lái Thiêu, các lò gốm tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…Mặc dù sản xuất những đồ bình dân, thực dụng như vậy nhưng mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt.
Cũng giống như những sản phẩm gốm miền Nam khác, nếu so sánh gốm Lái Thiêu với gốm Bát Tràng, Chu Đậu thì giá cả dòng gốm Lái Thiêu có phần rẻ hơn. Nhưng qua thời gian, vẻ đẹp mộc mạc của các sản phẩm gốm Lái Thiêu đang ngày càng được yêu thích hơn. Những sản phẩm gốm Lái Thiêu xưa đang được tìm kiếm nhiều trong thị trường đồ cổ. Trong bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh có riêng một khu vực trưng bày và giới thiệu về gốm Lái Thiêu.
Ngày nay khi đến thăm Bình Dương, cùng với những địa điểm thăm quan khác như Vườn cây Lái Thiêu; Khu di lịch Sóc Xiêm; Chùa Bà; Chùa Hội Sơn Châu Thới…Làng gốm Lái Thiêu cũng là một địa điểm thú vị mà du khách nên ghé thăm. Ở đây, du khách có thể đến thăm quan xưởng gốm để tận mắt tìm hiểu quá trình sản xuất các sản phẩm gốm chứ danh của miền Nam, đồng thời hiểu thêm về một nghề truyền thống của Việt Nam.
Khu du lịch Đại Nam
Nằm ở phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một, Đại Nam có tổng diện tích đã hoạt động khoảng 260 ha, là một trong những khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Ở đây có đầy đủ khung cảnh núi non, sông hồ và nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như Kim điện, biển Đại Nam, khu trò chơi cảm giác mạnh, khu vườn thú với thiết kế mở, khách sạn với đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh đó, trường đua Đại Nam được xem là động lực và điểm nhấn của toàn khu.
Chùa Hội Khánh
Đây là ngôi chùa cổ ở TP. Thủ Dầu Một, được xây dựng năm 1741. Nơi đây có bức tượng được tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là tượng Phật nằm dài nhất châu Á. Nét nổi bật của cổ tự này là giá trị về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ.
Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các chùa cổ Bình Dương. Chùa còn gắn với hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 đến 1926, cụ Sắc cùng cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập Hội Danh Dự tại đây.
Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên
Đây là ngôi thiền viện đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Với diện tích hơn 10 ha, thiền viện nằm lọt thỏm giữa rừng cao su, tách biệt với khu dân cư nên không gian khá yên bình. Bao quanh thiền viện là bóng mát của cánh rừng cao su và hoa lá. Bên trong thiền viện là cây xanh, tạo cảm giác gần gũi hòa quyện vào thiên nhiên.
Nhà tù Phú Lợi
Được mệnh danh là "địa ngục trần gian", Phú Lợi là một trong những nhà tù lớn ở miền Nam được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn hàng nghìn các chiến sĩ cách mạng suốt 8 năm (1957-1964). Nơi đây có 3 trại: Chi Lăng, Bạch Đằng và Đống Đa, với 9 phòng giam đánh dấu A, B, C, D... mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường dây kẽm gai dày đặc.
Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt.