Tình hình tài chính của Chứng khoán KB sau những tố cáo của các nhà đầu tư liên quan nhóm Ngô Nam
Thông tin trên Báo Công Thương cho biết, các nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo nhóm Ngô Nam trong đó cho biết, khi muốn gia nhập nhóm này các nhà đầu tư phải mở tài khoản tại Chứng khoán KB.
Từ những “nỗi đau” của nhà đầu tư khi tham gia các nhóm chứng khoán
Thị trường chứng khoán những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021 và nửa đầu năm 2022 có nhiều biến động. Nhà đầu tư chứng kiến giai đoạn chỉ số VnIndex vụt tăng, vượt ngưỡng 1.500 điểm và cũng chứng kiến cảnh VnIdex chỉ trong thời gian ngắn lao dốc, về dưới 1.200 điểm trong những tháng vừa qua. Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến những phiên VnIndex giảm sâu kỷ lục, cũng chứng kiến những phiên thanh khoản tăng kỷ lục trong hơn 1 năm qua. Thậm chí nhà đầu tư còn trải qua giai đoạn nghẽn lệnh thời gian dài, thậm chí có lúc nhà đầu tư còn cho rằng sở giao dịch đã “rút phích cắm” do diễn biến bất ổn của thị trường.
Một trong những nguyên nhân chính là số lượng các nhà đầu tư F0 tăng mạnh, cùng với đó đà tăng mạnh của nhiều nhóm cổ phiếu đã đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư, khiến lượng tiền đổ vào thị trường gia tăng. Cộng với đó, hiệu ứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ FOMO càng khiến các nhà đầu tư điên cuồng rót tiền vào.
Hệ quả, các ngân hàng gia tăng các khoản cho vay liên quan đầu tư tài chính chứng khoán, cho vay cá nhân, các công ty chứng khoán cũng nhanh chóng tăng vốn “khủng”, gia tăng cho vay margin và cũng gia tăng đầu tư chứng khoán khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán.
Song song với đó, nhiều “nhóm chứng khoán” được dẫn dắt bởi các “nhà đầu tư thiên tài” với sự tô vẽ “đánh đâu thắng đó” xuất hiện. Các nhà đầu tư được “dẫn dắt” vào các nhóm này, và đầu tư theo sự chỉ điểm. Nhiều cổ phiếu “hình cây thông” được phát hiện, nhà đầu tư dở khóc dở cười khi “lên tàu” ở đỉnh và mãi không thể xuống tàu khi giá cổ phiếu “trượt” dài ở phía bên kia sườn cây thông.
Trước đó không lâu, “Thầy A7” Nguyễn Mạnh Tuấn được nhắc đến khi nhóm cổ phiếu được “ông thầy” này tung hô như DIG, CEO, DRH lần lượt tạo hình cây thông, nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” và khóc ròng khi không tìm được điểm xuống tàu. Nhiều nhà đầu tư lên mạng xã hội tố cáo thầy A7 “lùa gà” nhưng cũng đành bất lực nhìn tài khoản bị bào mòn.
Mới đây, nhiều nhà đầu tư lại lên tiếng tố cáo “nhóm chứng khoán Ngô Nam” cũng với những chiêu trò tâng bốc bản thân để “lùa gà” các nhà đầu tư. Những thông tin mới đây trên Báo Công Thương cho biết, các nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo, trong đó ghi rõ “nhóm Ngô Nam” do ông Ngô Nam lập ra. Theo đơn, ông Ngô Nam là quản trị của nhóm facebook “Chợ bản Royal” tại chung cư Royal City. Lợi dụng sự tín nhiệm của cư dân nơi đây đối với một admin trang cộng đồng tại Royal City, Ngô Nam cùng nhóm của mình đã rủ rê, lôi kéo các cư dân tham gia vào các nhóm để “chơi chứng khoán” với các quảng cáo “lãi 100% mỗi năm” hay các cam kết hùng hồn “cổ phiếu 95% là thua lỗ và anh đang ngồi ở mâm 5% người thắng”…
Tạị các nhóm này Ngô Nam lập ra những người “đọc lệnh” và báo mã để các nhà đầu tư tham gia “đánh trận”, đồng thời yêu cầu các thành viên phải thông báo cho nhóm liên tục về lệnh và tài khoản của mình. Đáng chú ý, yêu cầu đầu tiên của người muốn join vào các nhóm của Ngô Nam phải là có tài khoản mở tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, đặt lệnh mua theo lệnh của Ngô Nam, khoe lãi và khoe số dư… Thông tin trên Báo Công Thương còn ghi nhận, khi các tài khoản của “thuyền trưởng” phím lệnh sai vẫn được nhóm này hoá giải là “kế hoạch phải sai” để mê dụ các nhà đầu tư…Theo phản ánh của rất nhiều người chơi chứng khoán trong các nhóm thuộc “chứng khoán Ngô Nam”, trong một thời gian dài, các tài khoản như: Nam Otc, Ngô Nam, Ngô Nam Ck…đã liên tục “đọc lệnh”, kêu gọi người tham gia nhóm mua các mã cổ phiếu gồm: VC2, VPG, BNA, PAS, ADS.
Chứng khoán KB gia tăng tỷ lệ cho vay margin, giá trị giao dịch cổ phiếu tăng vọt
Vậy Chứng khoán KB có gì? tại sao Ngô Nam yêu cầu các nhà đầu tư phải mở tài khoản tại đây? Trần tình tại buổi làm việc với Báo Công Thương, Ngô Nam cho rằng, vốn là môi giới bất động sản, khi mua bán nhà người ta có cảm ơn. Khi tìm hiểu ở công ty chứng khoán thì có phí môi giới nên bảo mọi người mở ở đó. Tuy nhiên, xem xét tình hình kinh doanh năm 2021 và quý 1 năm 2022 của Chứng khoán KB cho thấy có nhiều biến động so với năm trước đó.
BCTC năm 2021 của Chứng khoán KB cho thấy tổng giá trị các khoản cho vay của công ty đến 31/12/2021 lên trên 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó cho vay margin tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 4.400 tỷ đồng và ứng trước tiền bán chứng khoán gần 646 tỷ đồng.
Trong khi đó BCTC quý 1/2022 ghi nhận tổng giá trị cho vay margin đến hết quý 1 tiếp tục tăng với số lượng tăng gần 560 tỷ đồng, lên 5.100 tỷ đồng. Minh chứng cho những giao dịch cổ phiếu tăng đột biến tại Chứng khoán KB là giá trị giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vượt 267.300 tỷ đồng cả năm.
Cụ thể, giá trị khối lượng giao dịch cổ phiếu của Chứng khoán KB năm 2021 cũng tăng đột biến gần 10 lần năm 2020, lên gần 613 tỷ đồng. Cổ phiếu cũng là ưu tiên giao dịch của công ty. Năm 2020 Chứng khoán KB giao dịch trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng nhưng năm 2021 không có giao dịch trái phiếu này. Giá trị giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư qua Công ty cũng tăng mạnh từ 90.900 tỷ đồng năm 2020 lên trên 267.300 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần của Chứng khoán KB ghi âm
Trong khi đó tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Chứng khoán KB đến 31/1/2021 gần 5.000 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Chủ nợ lớn nhất của Chứng khoán KB là Ngân hàng Kookmon Bank – Japan với dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng; Kookmon Bank chi nhánh Hà Nội cũng có dư nợ 333 tỷ đồng. Chủ nợ lớn tiếp theo là Ngân hàng SMBC – Singapore với dư nợ hơn 900 tỷ đồng. Dư nợ tại ngân hàng VietcomBank 507 tỷ đồng, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Thành 500 tỷ đồng và dư nợ tại VPBank 400 tỷ đồng…
Còn BCTC quý 1/2022 ghi nhận vay ngắn hạn của Chứng khoán KB đến hết quý 1/2022 tiếp tục tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm, lên 5.450 tỷ đồng.
Không chỉ vay ngân hàng, năm 2021 Chứng khoán KB cũng tiến hành tăng vốn khủng thêm 80% từ 1.675 tỷ đồng lên 3.001 tỷ đồng. Chứng khoán KB cũng được xếp vào hàng một trong những công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn mạnh nhất trong năm 2021.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2021 ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạy động kinh doanh ghi âm gần 2.800 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động đầu tư cũng ghi âm gần 1 tỷ đồng trong khi lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động tài chính ghi dương hơn 2.900 tỷ đồng.
Đến cái kết của những nhà đầu tư “tin” vào các nhóm
Khi các nhà đầu tư tin theo những nhóm chứng khoán, và thua lỗ, lên các mạng xã hội, thậm chí có đơn kêu cứu đến các cơ quan ban ngành, thì các nhóm chứng khoán lần lượt được đưa ra ánh sáng. Tuy vậy nhiều nhà đầu tư đã rơi vào cảnh lỗ lớn, nợ nần, mất trắng tài khoản. Nhiều cái kết rất đau lòng đã xảy ra đâu đó khắp nơi tại nhiều tỉnh thành.
Đối với những chủ nhóm như Ngô Nam, "Thầy A7" hay nhiều những chủ nhóm khác, vẫn là những giải trình, những lời ngon ngọt giải thích như “thị trường quá xấu”, "quá bất ngờ" trước những ảnh hưởng từ Thế giới… thậm chí như Ngô Nam còn lên tiếng yêu cầu các nhà chức trách giải oan cho mình trước những đồn đoán, lời tố cáo trên mạng của các nhà đầu tư. Cái kết cuối cùng vẫn là những nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin chịu thiệt.