Chứng khoán VIX vừa huy động hơn 4.100 tỷ đồng qua game tăng vốn; mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Chứng khoán VIX cũng như nhiều công ty chứng khoán khác đang chơi game tăng vốn khủng từ đầu năm 2021 đến nay, đổ tiền vào thị trường đi buôn chứng khoán và cho vay margin.
Chứng khoán VIX mới mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Trong bối cảnh từ khoá "trái phiếu" đang HOT sau những thông tin liên quan đến việc 9 đợt phát hành trái phiếu với trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, thì CTCP Chứng khoán VIX vừa thông báo đã mua lại trái phiếu trước hạn. Theo đó Chứng khoán VIX đã mua 300 trái phiếu mã VIXH2124001. Đây là số trái phiếu công ty phát hành ngày 5/4/2021 - là trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền. Trái phiếu có thời hạn 3 năm, ngày đáo hạn 5/4/2024.
Báo cáo ghi nhận, ngoài số trái phiếu được mua lại trước hạn này, Chứng khoán VIX còn lô trái phiếu 200 tỷ đồng phát hành ngày 4/10/2021. Số trái phiếu này cũng có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 4/10/2024. Đây cùng là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Chứng khoán VIX tiếp diễn game tăng vốn khủng
Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán khá bất ngờ khi chứng kiến game tăng vốn khủng của các công ty chứng khoán. Mục đích tăng vốn thường khá giống nhau: để bổ sung vốn kinh doanh, chủ yếu tập trung vào mục đích cho vay ký quỹ, hoạt động tự doanh, đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…
Chứng khoán VIX cũng không đứng ngoài lề. Nếu như đến cuối năm 2018 vốn điều lệ công ty chỉ hơn gần 810 tỷ đồng, năm 2019 và 2020 tăng nhẹ lên lền lượt 1.161 và 1.277 tỷ đồng, thì năm 2021 và 2022 đều tiến hành tăng vốn khủng.
Năm 2021 Chứng khoán VIX tăng vốn thêm tổng cộng 115% lên mức 2.746 tỷ đồng, và trong 2 quý đầu năm 2022 công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu hơn 274 triệu cổ phiếu. Sau phát hành vốn điều lệ công ty đạt gần 5.500 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động được từ đợt tăng vốn này dùng 50% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động tự doanh và 50% để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.
Chứng khoán VIX vẫn lãi lớn từ "đi buôn" chứng khoán trong khi nhiều nhà đầu tư khóc ròng
Năm 2021 và nửa đầu năm 2022 cũng là năm để lại nhiều dấu ấn của thị trường chứng khoán. Số tài khoản mở mới trong năm lên đến 1,5 triệu, gấp 4 lần năm trước đó. Số nhà đầu tư F0 tăng mạnh một phần cũng do các công ty chứng khoán đang liên tục thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư, nhiều ưu đãi đối với vay margin được mở ra, càng khiến các nhà đầu tư không thể đứng ngoài cuộc, chỉ số VnIndex cũng vì thế đã vượt đỉnh, lên trên 1.500 điểm, thanh khoản thị trường tăng đột biến, thậm chí liên tục xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh.
Gần 2 năm qua cũng là thời điểm khiến các nhà đầu tư “điêu đứng”. Những tưởng VnIndex “phi” lên đỉnh khiến nhiều tài khoản nhân đôi nhân ba, tuy vậy thực tế, những cổ phiếu “đầu cơ” hình cây thông đã khiến các nhà đầu tư khóc ròng, trong khi các công ty chứng khoán lại lãi kép nhiều đường. Phần lớn các nhà đầu tư “đu đỉnh” theo phong trào và không kịp thoát hàng khi giảm sàn liên tục, trong khi các công ty chứng khoán vẫn đều đặn báo lãi, thậm chí lãi lớn năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của các nhà đầu tư qua VIX đạt gần 146.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2021 của Chứng khoán VIX ghi nhận cộng doanh thu hoạt động cả năm đạt gần 1.570 tỷ đòng, hơn gấp đôi so với con số 718 tỷ đồng đạt được năm 2020, trong đó lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ đạt gần 1.100 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm tăng trưởng 124% so với năm trước đó, lên 735 tỷ đồng.
Năm 2021 Chứng khoán VIX đầu tư vào các cổ phiếu như IDC, VGC, CEO, HEM, DDV, VCW, TBD, KIP, S99… trong đó giá trị hợp lý nắm giữ đến cuối năm đạt khoảng 720 tỷ đồng. Số dư chủ yếu ở 2 mã cổ phiếu IDC và VGC. Khoản đầu tư vào cổ phiếu CEO đã được công ty bán hết trong năm. CEO cũng là một trong những cổ phiếu “lấy nước mắt” của các nhà đầu tư trong đầu năm vừa qua khi được xem là cổ phiếu có đồ thị “hình cây thông”. Nửa bên trái cây thông, CEO tăng một mạch từ dưới mệnh giá lên cao nhất 92.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1/2022) và sau đó là những chuỗi ngày giảm sâu, hiện CEO về mức 34.400 đồng/cổ phiếu. VGC cũng khiến các nhà đầu tư “đau đầu” khi từng tăng từ vùng giá dưới 27.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 5/2021 lên hơn gấp đôi, đạt 63.300 đồng/cổ phiếu trước khi lao dốc về lại sát vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu. hiện tại VGC đã tăng trở lại lên sát mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Đồ thị của IDC cũng gần giống với VGC, đã tăng lên gần 86.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm gần 50% về mức 44.400 đồng/cổ phiếu. Hiện tại IDC đã tăng trở lại về mức 52.000 đồng/cổ phiếu. Trong năm 2021 VIX cũng lãi lớn với các cổ phiếu như DDV, VCW.
Một nghịch lý cho thấy, với các cổ phiếu có đồ thị giá biến động liên tục, các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận “đi buôn” và lãi lớn, trong khi phần lớn các nhà đầu tư đều kêu ca “đu đỉnh bán đáy”.
Không chỉ đầu tư cổ phiếu, tính đến cuối năm 2021 Chứng khoán VIX còn có số trái phiếu trị giá hơn 880 tỷ đồng đang nắm giữ. Chứng khoán VIX không công bố cụ thể mã trái phiếu công ty đang đầu tư. Còn hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu trong năm cũng khá lớn. Hợp đồng làm đại lý tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất trong năm 2021 là 3.300 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư MHC vào tháng 6/2021. Hợp đồng lớn thứ 2 là của Tập đoàn Gelex trị giá 1.500 tỷ đồng vào tháng 12/2021. Hai hợp đồng còn lại của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Đỏ và CTCP Mua bán thế hệ mới đều có giá trị 450 tỷ đồng.
Nỗi đau của nhà đầu tư khi nhìn vào cổ phiếu VIX
Một nghịch lý xuất hiện khá nhiều thời điểm này là, trong khi các công ty chứng khoán báo cái kết quả kinh doanh khả quan, lãi lớn so với cùng kỳ, thì giá cổ phiếu lại giảm, thậm chí giảm mạnh. Hiện tượng này đi ngược khá nhiều so với thông lệ chung khi công ty kinh doanh tăng trưởng, giá cổ phiếu sẽ “nương” theo tin tốt mà tăng mạnh.
Trên thị trường phiên giao dịch hôm nay 14/6 cổ phiếu VIX tiếp tục giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp, về mức 11.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 50% so với thời điểm đầu năm.
Liệu có thêm game thay tên đổi chủ?
Chứng khoán VIX có thể được xem là một trong những công ty chứng khoán có lịch sử thay tên nhiều nhất trong số các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Thành lập từ năm 2007 với tên gọi ban đầu là Chứng khoán VINCOM, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, niêm yết trên HNX từ 2009 với mã chứng khoán VIX. Năm 2011 đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Năm 2014 đổi tên thành Chứng khoán IB và năm 2020 lại đổi tên thành Chứng khoán VIX. Trụ sở chính của công ty cũng từng thay đổi từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi lại chuyển ngược ra Hà Nội.
Chứng khoán VIX cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển lớn về cơ cấu cổ đông. Tài liệu họp Đại hội cổ đông gần đây nhất ghi nhận tờ trình chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Tuấn nhận chuyển nhượng 1 triệu cổ phần từ ông Phan Đức Lĩnh mà không cần làm thủ tục chào mua công khai. Nếu giao dịch thành công ông Tuấn và những người liên quan sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán VIX từ 24,9% lên 25,1%, trong đó bản thân ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu hơn 15%. Trước đó tháng 3/2022 ông Nguyễn Văn Tuấn đã mua thêm hơn 52 triệu cổ phiếu VIX trong đợt công ty này tiến hành tăng vốn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984, là em ruột bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIX. Hiện nay ông cũng là Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Tập đoàn Gelex và Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Vigalcera.