Tỉnh miền Bắc sở hữu ngôi chùa lớn nhất thế giới sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương

Tỉnh miền Bắc này là địa phương có diện tích nhỏ thứ 2 cả nước, cách Thủ đô chưa tới 70km.

2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nam có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ giao thương từ Thủ đô đi các tỉnh phía nam, đây cũng là địa phương chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất cả nước, bao gồm một thành phố là Phủ Lý, thị xã Duy tiên và 4 huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng.

Thành phố Phủ Lý
Thành phố Phủ Lý

Tỉnh Hà Nam có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, phải kể đến một phần lớn nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường bộ quan trọng như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…Trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Đồng thời kết hợp với lợi thế về đường thủy nơi có nhiều sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu…

Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam
Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam

Tỉnh Hà Nam còn có lợi thế tự nhiên với trữ lượng đá vôi lớn, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, giúp cho tỉnh là nơi phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Sản xuất đá vôi, xi măng…Trong tương lai, Hà Nam có thể trở thành một trong những trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Về giáo dục, Hà Nam là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo của các trường có thể kể đến như: Trường Đại học Công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thương Mại…

Trường Đại học Công nghiệp cơ sở tại TP. Phủ Lý - Hà Nam
Trường Đại học Công nghiệp cơ sở tại TP. Phủ Lý - Hà Nam

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh Hà Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Và đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Nhà văn hóa tỉnh
Nhà văn hóa tỉnh

Cửa ngõ phía Nam Thủ đô với các điểm đến tâm linh nổi tiếng

Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65km. Đây là mảnh đất phù hợp để du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng.

Hà Nam có khí hậu giống các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh. Nơi đây phù hợp để ghé thăm vào cả 4 mùa nhưng nếu không chịu được nóng, bạn nên tới vào mùa thu hoặc đông. Mùa lễ hội vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Rằm tháng 4 có lễ hội Phật đản, phù hợp để tham quan những ngôi chùa.

- Các điểm đến nên ghé thăm:

1. Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện liêu trai, sự tích kì lạ xoay quanh sự vắng vẻ nổi tiếng của mình; mà tâm điểm là tượng Bà Đanh (thần Pháp Vũ). Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh". Có nhiều lý giải cho điều này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.

Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh

Cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.

2. Nhà Bá Kiến

Làng Vũ Đại trong Chí Phèo có nguyên mẫu là làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương của nhà văn hiện thực Nam Cao. Nhắc đến làng Vũ Đại là nhắc tới các nhân vật văn học là Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở. Hiện tại ngôi nhà ba gian của Bá Kiến trong nguyên mẫu vẫn còn đó và là điểm đến tham quan thu hút.

Nhà Bá Kiến
Nhà Bá Kiến

Ngôi nhà vốn thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Người này có tên thật là Trần Duy Bính (không rõ năm sinh, mất năm 1946) - được cố nhà văn Nam Cao xây dựng thành nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo.

3. Kẽm Trống

Kẽm Trống là danh thắng quốc gia được công nhận năm 1962. Kẽm Trống là nơi dòng sông Đáy chảy qua hai ngọn núi, bên tả có núi Rùa, núi Cổ Động thuộc tỉnh Hà Nam; bên hữu có núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia thuộc tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, khi đến Kẽm Trống bạn có thể tham quan một số địa điểm đẹp như: núi Bồng, núi Vọng, núi Rồng ở phía bên phải bờ. Bên kia sông Đáy lại có núi Rùa, núi Cổ Động, núi Trinh Tiết... Trên ngọn núi Trinh Tiết có một ngôi chùa cổ. Người dân nơi đây quan niệm rằng, ngôi chùa ấy tụ hợp linh khí của đất trời.

4. Chùa Tam Chúc

Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km và là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách nhất cả nước, nối giữa khu du lịch chùa Hương, khu du lịch Bái Đính và khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.

Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc

Vườn cột kinh là những cột kinh phục dựng giống bảo vật quốc gia cột kinh của chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện có 32 cột kinh cao 13,5m, rộng khoảng 2m, nặng khoảng 200 tấn.

Vườn cột kinh
Vườn cột kinh

Điện Tam Thế cao 39m, sàn rộng 5.400m2, đủ cho 5.000 phật tử hành lễ cùng một lúc. Trong điện đặt 3 bức tượng Phật bằng đồng tượng trưng cho "Quá khứ, hiện tại, tương lai". Mỗi bức có trọng lượng hơn 200 tấn, phía sau mỗi bức tượng là lá bồ đề dát vàng.

Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh được làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, bên trong thờ tượng Đức Phật bằng hồng ngọc nặng 4.000kg. Để lên chùa, du khách phải leo lên 299 bậc thang đá. Từ đây, bạn có thể ngắm toàn cảnh chùa Tam Chúc.

Chùa Ngọc
Chùa Ngọc

Ngoài ra, du khách có thể tham quan Điện Quán Thế Âm Bồ Tát, nơi đặt pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn hay điện Pháp Chủ với tượng đồng nguyên khối 150 tấn. Các điểm tham quan khác là đình Tam Chúc và khu vực hồ Lục Nhạc.

Hải Yến

Theo Chất lượng và cuộc sống