Tỉnh nằm ở nút giao của 7 con sông huy động 330.000 tỷ thực hiện các dự án lớn
Tỉnh này là một trong những địa phương hưởng lợi lớn nhất khi nằm ở giao điểm và kết nối với 3 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Sóc Trăng, Hà Tiên - Bạc Liêu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 556/QĐ-TTg ngày 22/6/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A, các dự án theo hai hành lang kinh tế là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài đầu tư công, tỉnh ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực gồm: Hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ số; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; thương mại, các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân (GRDP) là 8,7%/năm trong thời kỳ 2021-2030. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 330.000 tỷ đồng, cụ thể:
Nguồn vốn | Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021-2030 | |
Giai đoạn 2021-2025 | Giai đoạn 2026-2030 | |
Tổng cộng | 112.500 tỷ đồng | 217.500 tỷ đồng |
Nguồn vốn đầu tư công | 36.240 tỷ đồng (32,2%) | 37.200 tỷ đồng (17,1%) |
Nguồn vốn ngoài đầu tư công | 75.010 tỷ đồng (66,7%) | 177.750 tỷ đồng (81,7%) |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) | 1.250 tỷ đồng (1,1%) | 2.550 tỷ đồng (1,2%) |
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, ngoài đầu tư công, còn đẩy mạnh hợp tác công tư; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực của xã hội.
Hậu Giang là một trong những địa phương hưởng lợi lớn nhất khi nằm ở giao điểm và kết nối với 3 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Sóc Trăng, Hà Tiên - Bạc Liêu. Đặc biệt, TP Ngã Bảy của tỉnh này có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Hậu Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội ngộ của 7 con kênh: Cái Côn, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn; cùng với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu, đồng thời là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui - TP. Cần Thơ và là tuyến đường thủy quốc gia từ TP HCM xuyên Đồng bằng sông Cửu Long ra vùng biển Tây Nam.
Vì vậy, tỉnh Hậu Giang được xác định và sẽ ưu tiên đầu tư trở thành vùng đô thị chiến lược với tiềm năng lớn và kết nối giao thương quốc tế về đường thủy nội địa, hàng hải.