Tỉnh nhiều thành phố nhất Việt Nam tương lai là đô thị tầm cỡ quốc tế, thu nhập của người dân thay đổi lớn
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng chiến lược phát triển đô thị của tỉnh nhằm khai thác lợi thế sẵn có, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
HĐND tỉnh Bình Dương khóa X vừa tổ chức Kỳ họp thứ 15 thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phấn đấu trong tương lai, Bình Dương sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp dịch vụ, hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế. Đời sống của người dân cũng có sự thay đổi khi mức thu nhập ngang ngửa với các nước phát triển.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được phân tích và xây dựng dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển để đảm bảo tính khả thi. Quy hoạch đã xây dựng chiến lược phát triển, kết nối hạ tầng đô thị giao thông và hạ tầng xã hội với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. HCM để từ đó nắm bắt cơ hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, đến năm 2030, Bình Dương sẽ cùng với các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với cac địa phương trong vùng, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tam công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực vững chắc về an ninh - quốc phòng, cạnh tranh quốc tế. Trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trung bình đạt khoảng 10%/năm.
Theo Quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh quốc tế.
Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế. Đây cũng sẽ là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là những thế mạnh hiện tại của địa phương như công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt phấn đấu trong giai đoạn này, người dân địa phương sẽ có thay đổi lớn về thu nhập khi ở mức tương đương các nước phát triển, đồng thời kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các đại biểu tại kỳ họp nhất trí để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Từ ngày 1/5/2024, Bình Dương là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước khi thị xã Bến Cát chính thức lên thành phố trực thuộc tỉnh. 5 thành phố của tỉnh Bình Dương hiện nay là: Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An.