Tỉnh quy mô kinh tế cao nhất miền Trung di dời 826 cơ sở sản xuất: Vấn nạn được giải quyết, người dân hưởng lợi lớn
Đến năm 2023, địa phương sẽ hoàn thành di dời 826 cơ sở sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định phê duyệt Đề án di dời các cơ sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khởi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Thanh Hóa có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và tồn tại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở này bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cơ sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); sản xuất bún (26 cơ sở); giết mổ gia súc, gia cầm (30 cơ sở); gia công cơ khí (19 cơ sở); sản xuất gạch không nung (14 cơ sở) và các loại hình khác như ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than… (21 cơ sở).
Các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố gồm: Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Yên Định, huyện Thọ Xuân, huyện Triệu Sơn, huyện Đông Sơn, huyện Nga Sơn, huyện Hậu Lộc, huyện Hà Trung, huyện Hoằng Hóa, huyện Thiệu Hóa, huyện Bá Thước, huyện Lang Chánh, huyện Thạch Thành, huyện Quan Sơn, huyện Vĩnh Lộc, huyện Quảng Xương.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Người dân không khỏi bức xúc khi đời sống, sức khỏe bị ảnh hưởng do ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải trước khi thải ra môi trường còn nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần; việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế...
Để giải quyết vấn nạn này, trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý, tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý.
Giai đoạn 2026 - 2030, tổ chức thực hiện các phương án. Tỉnh tiến đến vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường nhưng thuộc loại hình có thể giảm quy mô, công suất để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường 25 cơ sở.
Giai đoạn 2028-2030: Di dời chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại với hơn 500 cơ sở.
Thanh Hóa là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước, cao nhất các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng thời là địa phương có tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước hàng năm lớn nhất tại miền Trung.