Tỉnh nằm ở ngã ba Đông Dương quy hoạch '3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai'
Trong quý II/2024, tỉnh sẽ thực hiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cụ thể chi tiết.
Là một điểm tiếp giáp giữa ba nước Đông Dương, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào, ngã ba Đông Dương vốn được mệnh danh là nơi mà “một con gà gáy ba nước đều nghe”. Chính vì điều này mà "ngã ba Đông Dương" Tây Ninh được chú trọng để phát triển toàn diện kinh tế vùng, thu hút du lịch.
UBND tỉnh Tây Ninh đã công bố kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội. Tỉnh Tây Ninh sẽ thực hiện công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển “Tây Ninh xanh”.
Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là thành phố Tây Ninh và sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I; 3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông); 5 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng).
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển 7 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.
Trong quý II/2024, tỉnh Tây Ninh sẽ ban hành Đề án phát triển khu công nghiệp tỉnh giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. Toàn tỉnh sẽ có 10 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 583ha vào năm 2030.
Tỉnh Tây Ninh cũng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.
Ba vùng phát triển, gồm: Vùng 1: gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu.
Vùng 2: gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành.
Vùng 3: gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu.
Bốn trục động lực, gồm: Trục số 1: gắn với Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh Tây Ninh.
Trục số 2: gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Cam-pu-chia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.
Trục số 3: gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Cam-pu-chia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.
Trục số 4: gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Cam-pu-chia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.
Một Vành đai an sinh xã hội: gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng Sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.
Các dự án trọng điểm được phân bổ vốn cho Tây Ninh năm 2024 từ nguồn ngân sách nhà nước với số tiền trên 4.020 tỷ đồng, bao gồm: Đầu tư dự án thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với số vốn 200 tỷ đồng, Cửa khẩu quốc tế Tân Nam 130 tỷ đồng; đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT787B - ĐT 789 là 600 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 683 tỷ đồng…