Tỉnh sát vách TP. HCM 'tham vọng' lọt top 3 nền kinh tế lớn nhất Việt Nam: Hệ thống giao thông hoành tráng là 'át chủ bài'
Những thành tựu địa phương đã được trong thời gian qua cho thấy mục tiêu này của tỉnh không hề xa vời.
Từng là một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Đồng Nai đến nay đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc và là 1 trong 10 tỉnh thành có kinh tế phát triển nhất cả nước.
Hiện, quy mô GRDP của tỉnh Đồng Nai là gần 10 tỷ USD. Về cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm gần 60%, thương mại dịch vụ khoảng 32% và nông nghiệp hơn 8%. Trong gần 7 năm tới, tỉnh Đồng Nai sẽ từng bước thực hiện mục tiêu trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam bằng cách tăng tốc phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong vào ngoài nước, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai có nhiều cơ hội trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo, phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam Bộ là Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và trục hành lang kinh tế biển. Tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án một cách thuận lợi nhất.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai đầu tư. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của cả nước.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 theo dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2026. Với “vị thế” là dự án đầu tư lớn nhất cả nước từ trước đến nay, Sân bay Long Thành được đánh giá sẽ tạo ra động lực to lớn để Đồng Nai tăng tốc phát triển.
Theo các chuyên gia, sự hình thành và phát triển sân bay Long Thành với ưu thế về vị trí và khả năng kết nối chiến lược với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ và các khu vực đô thị năng động khác đang tạo ra cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực mới, nhất là với các lĩnh vực dịch vụ như: logistics gắn với cảng hàng không và đặt trong bối cảnh liên kết vùng là logistics cảng biển, kinh doanh thương mại, bán lẻ, dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch MICE, dịch vụ giải trí thể thao đẳng cấp quốc tế, dịch vụ bất động sản, văn phòng cho thuê.
Bên cạnh sân bay Long Thành, theo quy hoạch, sân bay Biên Hòa cũng sẽ được đầu tư để khai thác lưỡng dụng. Việc đưa sân bay Biên Hòa sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như vùng Đông Nam Bộ. Cùng với đó, động lực phát triển của tỉnh sẽ được gia tăng với mạng lưới các tuyến đường bộ cao tốc, đường vành đai, đường sắt đã và sắp được đầu tư xây dựng.