Tisco đã đổ 6.100 tỷ đồng vào dự án đắp chiếu; vẫn còn khoản nợ xấu 550 tỷ đồng
Tisco đã đầu tư tổng cộng hơn 6.100 tỷ đồng vào dự án Cải tạo và Mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, phát sinh lãi vay vốn hoá gàn 3.000 tỷ đồng - và dự án đang đắp chiếu chờ phương án xử lý.
Gánh nặng chi phí vốn, Tisco báo lãi 6 tháng giảm 66% so với cùng kỳ
CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - mã chứng khoán TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu tăng 5,6% lên hơn 6.900 tỷ đồng. Tuy vậy tỷ lệ tốc độ tăng tăng chi phí cao hơn rất nhiều, đến 13,5% nên dẫn tới lợi nhuận gộp còn 186 tỷ đồng, bằng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ doanh thu tài chính đạt 11,3 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng giảm được một nửa xuống còn 63 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay hơn 57,5 tỷ đồng).
Một tiêu chí khác tác động mạnh tới lợi nhuận nửa đầu năm nay là chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm được đến 85% so với cùng kỳ, còn gần 49 tỷ đồng. Nguyên nhân chính có khoản chênh lệch lớn này do nửa đầu năm 2021 Tisco phải trích lập dự phòng công nợ, trích lập dự phòng tiền lương, chi phí đồng phục, hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cho CBCNV tổng cộng gần 195 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm 2022 Tisco đã hoàn nhập dự phòng các khoản không chi hết hơn 78 tỷ đồng.
Kết quả, Tisco vẫn lãi sau thuế 35 tỷ đồng, chỉ bằng 34% so với số lãi gần 103 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm 2021.
Hơn 6.100 tỷ đồng đổ vào Dự án đang “đắp chiếu”
Nhắc đến Tisco là nhắc đến dự án Cải tạo và Mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đang nằm đắp chiếu. Dự án có tổng chi phí đầu tư ban đầu 3.483,67 tỷ đồng và được điều chỉnh lại theo dự toán với tổng mức đầu tư 8.104,91 tỷ đồng (theo hợp đồng ký kết với nhà thầu chính Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC) ngày 12/1/2007. Hiện tại dự án đã kéo dài hơn thời gian dự kiến ban đầu. Và theo thông tin công bố, Tổng Công ty Thép Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với cơ quan Nhà nước tháo dỡ các khó khăn cho Dự án.
Cuối tháng 7/2021 Thủ Chính Phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên, trong đó có khảo sát và làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án này.
Đến thời điểm 30/6/2022 tổng đầu tư vào Dự án là 6.163,09 tỷ đồng (tăng 163,76 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021). Trong đó lãi vay vốn hoá là 2.951,66 tỷ đồng (chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2022 là chi phí lãi vay vốn hoá).
Đối với Dự án này, Tisco cũng đang theo kiện. Tháng 11/2021 Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành bản sản liên quan đến Dự án này, trong đó hậu quả của bản án được xác định là số tiền lãi suất phải trả cho các ngân hàng kể từ khi dự án chậm tiến độ (từ 31/5/2011) đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 830 tỷ đồng – các bị cáo được nêu trong bản án phải bồi thường cho Tisco số tiền trên.
Tổng chi phí lãi vay của dự án từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2019 là hơn 1.804 tỷ đồng – trong đó số tiền lãi đã trả hơn 830 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cho giai đoạn từ 1/4/2019 đến 30/6/2019 là hơn 1.004 tỷ đồng. Tuy vậy Tisco vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường theo bản án đã tuyên.
Tisco còn khoản “nợ xấu” gần 550 tỷ đồng
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào dự án đang nằm đắp chiếu, Tisco còn có thêm khoản nợ xấu gần 550 tỷ đồng mà giá trị có thể thu hồi ghi nhận chỉ hơn 201 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lãi chậm trả phát sinh từ khoản nợ quá hạn trên khoảng 201 tỷ đồng không được ghi nhận doanh thu – khoản này Tisoc ghi tăng khoản mục phải thu khách hàng và phải trả khác trên bảng cân đối kế toán theo điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước năm 2013.
Các khoản nợ xấu của Tisco đến từ các doanh nghiệp, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng (gần 252 tỷ đồng); Công ty TNHH TM và XD Hà Nam (hơn 127 tỷ đồng); Công ty TNHH Lưỡng Thổ (gần 51 tỷ đồng); Công ty TNHH Hồng Trang (gần 25 tỷ đồng); Công ty Jinsu Resources (hơn 23 tỷ đồng) còn lại là các khoản khác.
Tisco không nói rõ khoản nợ với Công ty DL Trung Dũng. Tuy vậy thông tin giao dịch đăng ký đảm bảo có ghi nhận một hợp đồng đăng ký đảm bảo giữa công ty Trung Dũng và Gang thép Thái Nguyên ký tháng 10/2011. Hợp đồng ghi rõ tài sản đảm bảo là “Toàn bộ cổ phần đã thực góp thuộc sở hữu hợp pháp của của Công ty Trung Dũng trong Công Ty Cổ Phần Cán Thép Thái Trung, cùng các Quyền và lợi ích phát sinh từ hoặc gắn liền với số cổ phần này. Cổ phần cầm cốtại Công Ty Cổ Phần Cán Thép Thái Trung có giá trị 126.991.409.016 VND (tương đương 12.699.140 cổ phần ); giá trị cầm cố theo hợp đồng là 95% giá trị thực góp, tương ứng 120.641.838.565 VND. Cổ phần cầm cố chỉ bao gồm các Quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến cổ phiếu thưởng và mua chứng khoán ưu đãi”.
Liên quan đến các khoản nợ xấu này, Tisco đã tiến hành khởi kiện. Trong đó vụ kiến liên quan đến khoản phải thu của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam – Tisco đang khởi kiến Ngân hàng TMCP Quốc tế Chi nhánh Hà Nội là bên bảo lãnh thanh toán. Thông tin cuối cùng là tháng 7/2017 Toà án Nhân dân Tối cao có thông báo không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội theo yêu cầu của công ty. Hiện Toà án Nhân dân thành phố Thái Nguyên chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.