Toàn cảnh thi công cầu Á Lữ trị giá 300 tỷ đồng vượt sông Thương
Cầu Á Lữ và đường dẫn phía Tây (TP Bắc Giang) là hạng mục quan trọng nằm trong dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mêkông lần 2.
Bắc Giang: Toàn cảnh thi công cầu Á Lữ gần 300 tỷ đồng
Dự án cầu Á Lữ do UBND TP.Bắc Giang làm chủ đầu tư. Tổng giá trị xây lắp phần cầu gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý 2/2023.
Được biết, liên danh Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng HJC trúng thầu với giá 259,912 tỷ đồng, giảm giá 2,5% sau đấu thầu. Cầu Á Lữ thuộc dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông MêKông (GMS) lần 2 - Dự án thành phần tỉnh Bắc Giang (các gói thầu bổ sung).
Liên danh cho biết, công trình có thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng, hợp đồng theo đơn giá cố định. Theo thiết kế, cầu Á Lữ dài 426m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực bắc qua sông Thương. Bề rộng mặt cầu chính vượt sông 19,5m.
Ông Nguyễn Sư Sơn, Giám đốc liên danh nhà thầu xây dựng cầu Á Lữ cho biết: "Sau gần 4 tháng triển khai thi công, đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 40% tiến độ đề ra. Chúng tôi đang tập trung thi công bệ thân trụ T1,T2,T5 và ép cọc khoan nhồi trụ T6".
Công tác giải phóng mặt bằng tại vị trí xây dựng cầu Á Lữ đã cơ bản hoàn thành từ đầu tháng 9/2022. Đường dẫn cầu Á Lữ có tổng chiều dài hơn 404m, trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Cầu Á Lữ là công trình xây dựng trọng điểm kết nối TP.Bắc Giang với phường Mỹ Độ, sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ là vị trí chiến lược đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, tạo "vòng tròn kết nối" đôi bờ sông Thương.
Đường dẫn đầu cầu phía phường Trần Phú dài 169,1m, chiều rộng mặt cắt ngang 33,5m-37,5m; đường dẫn phía cuối cầu thuộc phường Mỹ Độ dài 235,2m, chiều rộng mặt cắt ngang 36m (mặt đường bằng bê tông nhựa). Ngoài ra còn đường gom và đường tránh dưới đê.
"Tổng mức đầu tư công trình cầu Á Lữ và đường dẫn hơn 600 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch giúp hoàn chỉnh trục chính giao thông đô thị TP. Bắc Giang trong định hướng phát triển giao thông chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050", ông Sơn cho biết thêm.