Tổng cục Quản lý đất đai: Hơn 43 triệu thửa đất đã được đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai

Tại các địa phương, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó, có 217 705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng...

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến nay, về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp Trung ương, cơ quan này đã xây dựng, hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để chuẩn bị vận hành và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tại các địa phương, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố cũng đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 43 triệu thửa đất; trong đó có 217/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng; 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai.

Trên cơ sở đó, 24/63 tỉnh, thành phố đã kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế; 61/63 địa phương thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hơn 43 triệu thửa đất được đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai. Ảnh minh họa  
Hơn 43 triệu thửa đất được đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai. Ảnh minh họa  

Với hiệu quả trên, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết thời gian tới, đơn vị này sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để thực hiện nội dung trên, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến, cơ quan này cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cần được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, đa mục tiêu, kết nối liên thông trên cả nước.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất quy định về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025; đặc biệt là bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.

PV

Theo Sở hữu trí tuệ