Condotel bị loại khỏi Luật Đất đai sửa đổi: 'Chúng ta không nên đưa cái sai để hợp thức hóa cái sai'
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Nhà nước đã quy định, đất thương mại dịch vụ 50 năm và được cấp sổ theo thời gian đó. Còn địa phương nào muốn tận thu đưa đất thương mại dịch vụ sang đất ở cần phải xem xét lại.
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, condotel không làm ảnh hưởng gì đến sửa Luật đất đai lần này. Nhà nước đã quy định, đất thương mại dịch vụ 50 năm và được cấp sổ theo thời gian đó.
“Chúng ta không nên đưa cái sai để hợp thức hóa cái sai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ TN-MT giải thích: Nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định và giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế kèm theo rủi ro và hệ lụy.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong quy hoạch phải có sử dụng đất hỗn hợp. Ví dụ cho toà nhà có 30% đất ở, 70% thương mại dịch vụ…Mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Cái gì thực tiễn đã chứng minh là đúng, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đã đi trước thì lần này đặt ra để cùng nhau giải quyết, những vấn đề lịch sử để lại thì lần này phải giải quyết được. Thực tiễn là hết sức quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, dù không có trong Luật Đất đai nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp “đất ở không hình thành đơn vị ở” cho hàng chục dự án trong 3 năm liên tục từ 2016 - 2018. Vì không có quy định, nên hệ lụy là hàng loạt khách hàng mua căn hộ condotel tại dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” không được cấp sổ đỏ, không đảm bảo quyền lợi như cam kết dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
“Theo tôi, những khu vực đất có lợi thế về thương mại dịch vụ, sinh lợi từ đầu tư phát triển kinh tế thì nên là đất để cho thuê. Còn nếu là đất ở thì nên chọn nơi có cảnh quan, môi trường. Quy hoạch này có sự phân biệt. Đất ở thì có thể là lâu dài. Đất thương mại dịch vụ thì có thể thu tiền nhiều lần theo giá trị đầu tư về kinh tế”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, phản ánh của doanh nghiệp đến VCCI cho thấy thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, tạo ra chi phí lớn của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VCCI, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh giá đất tăng nhanh. Mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về đất đai đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm đình trệ nhiều dự án, ông Công nêu thực tế.
Đặc biệt, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai ngày 8/8/2022, quy mô khách mời đông với giấy mời được gửi đến đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Thế nhưng, chỉ có 4 vị phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Hà Nam, Lai Châu, Lào Cai) có mặt. Vị trí đầu hàng ghế thứ nhất đề tên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội (nơi tổ chức hội thảo), cũng trống không.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, cảm xúc của ông là buồn và thất vọng, bởi việc xây dựng pháp luật về đất đai đương nhiên do Bộ chủ trì, nhưng vướng mắc thì ở địa phương. Vì thế, ông rất mong muốn hội thảo có sự hiện diện của những vị có trách nhiệm, nghe các vị nói lên tiếng nói của địa phương để sửa luật cho sát với đòi hỏi của thực tiễn.
“Tôi không biết lý do vắng là gì, nhưng như vậy là rất thiếu trách nhiệm”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
“Rất thiếu trách nhiệm” là cụm từ sau đó tiếp tục được ông Trần Hồng Hà nhắc lại, vì theo ông, ở địa phương, để xảy ra tình trạng ra văn bản không sát với thực tế chính là vì không quan tâm đến thể chế một cách đến nơi, đến chốn. Trong khi đó, đất đai là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, quản lý đất đai thì rất rộng, mà thực tế còn vô vàn vướng mắc, khó khăn.
Nhận định của Bộ trưởng được chứng minh ngay sau đó từ chính phát biểu của các địa phương. Nào là, hiện tại rất nhiều quy định mâu thuẫn chồng chéo, mỗi luật quy định một cách nên rất khó áp dụng. Thế nhưng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục có những quy định rất khó thực hiện. Như quy định quy hoạch thể hiện thông tin đến từng thửa đất là không thể làm được với điều kiện hiện nay. Rồi việc cho phép doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại gặp rất nhiều vướng mắc. Ngoài ra, tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất quy định dự án có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên sẽ rất khó cho địa phương...
Khó khăn, vướng mắc trong chính sách đất đai thì kể cả ngày cũng không hết. Thế nhưng, đa số đại biểu dự hội thảo chỉ là cấp sở, cấp phòng trực thuộc huyện, trong khi cấp sở chỉ có thể tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ra quyết định về vấn đề quản lý đất đai tại địa phương.
“Nếu lãnh đạo tỉnh cũng không quan tâm đến thể chế về đất đai, thì anh em tham mưu chịu sức ép rất lớn. Pháp luật phù hợp với thực tiễn, thì mọi việc hanh thông, còn không sát thực tiễn thì rất khó khăn. Thế nhưng, hội nghị này lại thiếu rất nhiều đại diện các tỉnh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục bày tỏ sự thất vọng.