Tổng cục Thuế sắp kiểm tra chuyên ngành nhiều doanh nghiệp dược phẩm, bất động sản
Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định 1326/QĐ-TCT phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, dược, hóa mỹ phẩm có tên trong danh sách đối tượng kiểm tra.
Theo đó, Quyết định 1326/QĐ-TCT phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023 nêu rõ danh sách 42 doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Nhiều nhất là các doanh nghiệp địa ốc, tiếp đó là các doanh nghiệp dược, hóa mỹ phẩm.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tổng cục Thuế sẽ kiểm tra chuyên ngành đối với Tập đoàn GELEXIMCO - CTCP, CTCP Bitexco, CTCP Bất động sản Sơn Kim, CTCP Bất động sản toàn cầu (GP.INVEST), CTCP đầu tư Hải Phát, CTCP đầu tư địa ốc Vạn Phúc, CTCP đầu tư và kinh doanh địa ốc Đông Nam, CTCP bất động sản Khải Hoàn Land, MIK Group Việt Nam, TNR Holdings, Công ty cổ phần tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO…
Một số doanh nghiệp xây dựng cũng có tên trong danh sách lần này gồm Công ty cổ phần Xây dựng Đô thị Hồng Hà số 1 Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Xây dựng Hợp Lực, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2.
Trong lĩnh vực dược, hóa mỹ phẩm có một số doanh nghiệp như Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty TNHH Dược Hoa Linh, Dược phẩm OPC, Dược phẩm Khương Duy… Cơ quan thuế cũng căn cứ kết quả phân tích rủi ro bằng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế để xác định nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra thuế.
Việc kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế sẽ bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là chuẩn bị kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế gồm việc ban hành quyết định kiểm tra. Giai đoạn 2 là kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, bao gồm: công bố quyết định kiểm tra thuế, thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, lập biên bản kiểm tra thuế, xử lý kết quả kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế, ghi nhật ký kiểm tra, giám sát đoàn kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết quả sau kiểm tra.
Trường hợp cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan thuế, người nộp thuế đáp ứng được yêu cầu làm việc theo phương thức giao dịch điện tử, làm việc trực tuyến thì đoàn kiểm tra và người nộp thuế có thể thực hiện kiểm tra bằng phương thức giao dịch điện tử (trực tuyến) hoặc kết hợp các phương thức làm việc trực tiếp và trực tuyến.