Tổng thầu lý giải gối cầu metro số 1: Chưa chấp nhận
Tổng thầu liên danh SCC có văn bản gửi MAUR lý giải về thiết kế gối cầu tuyến metro số 1 nhưng không được phía MAUR chấp nhận.
Sau 2 sự cố rớt gối cầu tuyến metro số 1 được phát hiện, cuối tháng 1/2021, phía tổng thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) đã có văn bản gửi BQL Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) lý giải nguyên nhân về việc thiết kế gối cầu có kích thước khác nhau và tác động của đường ray lên bề mặt cầu trong quá trình vận hành dự án.
Theo SCC, có 2 loại gối cầu được sử dụng trên tuyến metro số 1 là EB1 và EB4 nhưng cùng được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản DSCRC, quy định tuổi thọ chung cho kết cấu là 100 năm.
Gối EB1 và EB4 sử dụng chính xác cùng loại gối cao su, sự khác nhau giữa hai gối chỉ là đường kính của thanh chống xô trên đầu có thể di chuyển của nhịp: EB1 sử dụng thanh chống xông đường kính 85 mm, trong khi EB4 sử dụng thanh chống xô đường kính 90 mm nhưng cùng loại cấu tạo và tính chất của loại vật liệu, gối cho hai loại này có cùng khả năng chịu tải.
Hai loại gối cầu này có sự khác nhau trong thiết kế lần lượt là 0,6 và 0,69 (đều nhỏ hơn 1 theo yêu cầu thiết kế).
Các đơn vị chuyên môn đang kiểm tra gối cầu trên tuyến metro số 1. |
Bên cạnh đó, SCC cũng khẳng định, mặt cầu cứng hơn 4.461 lần so với ray vì vậy ray không có ảnh hưởng đến ứng xử chịu uốn của nhịp.
Trong quá trình biến dạng của mặt cầu, dưới tác dụng tải trọng của nhịp kết cấu giản đơn, ray không góp phần trong việc chống lại biến dạng của nhịp vì độ cứng của ray quá thấp và ứng xử của nhịp giản đơn của mặt cầu cạn không bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của ray liên tục trong ứng xử của các nhịp cầu.
Tuy nhiên, lời giải thích của SCC không được phía MAUR chấp nhận. Chủ đầu tư dự án cho rằng, các sai số trong quá trình chế tạo gối cao su cần được nhà sản xuất tính đến trước khi chế tạo. Sai số phải nằm trong giới hạn cho phép nhằm đảm bảo các tính năng và yêu cầu kỹ thuật được phê duyệt.
Đã hai tháng từ ngày xảy ra sự cố, SCC vẫn chưa bố trí đủ nhân sự tập trung giải quyết dẫn đến chậm trễ cung cấp tài liệu chất lượng từ nhà sản xuất, các chứng từ nhập khẩu, hợp đồng với nhà cung cấp... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp tìm ra nguyên nhân sự cố. Tổng thầu mới chỉ đưa ra các nhận định sơ sài và chưa thuyết phục.
Sau khi phát hiện các gối cao su bị xê dịch 100mm, tổ công tác rà soát sự cố của TP. HCM cũng đã tổ chức cuộc họp với nhiều bên để nghe báo cáo và đề nghị nhà thầu trả lời sự việc nêu trên là đơn lẻ hay hệ thống, đề xuất giải pháp xử lý trong đó cân nhắc thuê đơn vị thứ 3 độc lập thực hiện kiểm tra, kiểm định sự gối cầu. Riêng với trường hợp xê dịch gối này, tổng thầu vẫn chưa đưa ra nhận định ban đầu.
Đồng thời, tổ công tác cũng đã yêu cầu SCC trả lời 50 câu hỏi liên quan đến sự cố, trong đó quan trọng nhất phải lý giải được nguyên nhân, cho biết sự cố chỉ là cục bộ tại vài vị trí hay mang tính tổng thể trên toàn tuyến, sau đó đề xuất phương án khắc phục.
Tổ công tác cũng gia hạn cho SCC phải gửi đầy đủ câu trả lời trước Tết Nguyên đán, có kết luận cụ thể để phía TP.HCM tìm ra phương án giải quyết sự cố ngay trong quý 1. Như vậy mới kịp để dự án đưa vào chạy thử tháng 9 và vận hành thương mại vào cuối năm nay.