TP đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam đưa 9 chung cư ở một quận vào 'blacklist' về độ nguy hiểm
Sở Xây dựng của TP này công bố kết quả kiểm định chất lượng 9 nhà chung cư, nhà ở tập thể cũ có nhiều chủ sở hữu trên địa bàn TP.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đơn vị này đã chủ trì tổ chức kiểm định và đánh giá chất lượng của 9 nhà chung cư, nhà tập thể cũ có nhiều chủ sở hữu.
Trong số đó, 6/9 chung cư được kiểm định có mức độ nguy hiểm cấp C, còn lại là cấp B.
Các chung cư nguy hiểm cấp C tại quận Hải Châu gồm: Nhà tập thể số K33/21 Cao Thắng, nhà tập thể số K33B/12 Cao Thắng, nhà tập thể số 103 Nguyễn Tất Thành, nhà tập thể số 109 Thanh Thủy (phường Thanh Bình), nhà ở tập thể số 24 Lê Đình Thám (phường Hòa Thuận Đông) và tầng 2 của khu tập thể số K81 Hải Phòng (phường Thạch Thang), thuộc sở hữu nhà nước.
Hầu hết các chung cư này đều cần được sửa chữa kịp thời, gia cố các cấu kiện nguy hiểm và các hư hỏng cục bộ trước khi tiếp tục sử dụng.
Việc sửa chữa và gia cố phải được thiết kế và thi công bởi các đơn vị có đủ năng lực theo quy định.
Thời hạn tiếp tục sử dụng của các chung cư này dao động từ 3 đến 5 năm; tuy nhiên một số chung cư chỉ có thể sử dụng được từ 2 đến 3 năm nữa.
Ngoài ra, để đảm bảo các nhà chung cư, nhà ở tập thể đã được kiểm định ở mức độ nguy hiểm cấp B và C có thể tiếp tục sử dụng bình thường, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đề nghị UBND quận Hải Châu lập kế hoạch tổ chức họp thông báo kết quả kiểm định và các quy định pháp luật liên quan đến chủ sở hữu tập thể.
Có thể thấy, tình trạng chung cư cũ và khu tập thể xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang trở thành mối lo ngại lớn cho người dân cũng như các cấp quản lý.
Cần thiết phải thực hiện ngay các biện pháp cải tạo, sửa chữa, xây mới các công trình này và di dời cư dân khỏi những khu vực nguy hiểm.
Một trận động đất nhỏ hoặc thiên tai bất ngờ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng không lường trước được.
Đã đến lúc cần áp dụng các biện pháp cứng rắn và các phương pháp mới, thiết thực hơn để giải quyết tình trạng này.
Việc gấp rút di dời và tái định cư là cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, an sinh xã hội và ngăn chặn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Từ thành phố "5 không" (không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, trẻ không giấy khai sinh và không được đi học), TP. Đà Nẵng đã có "cú lột xác" ngoạn mục khi trở thành điểm đáng đến và "đáng sống" hàng đầu khu vực.
Đà Nẵng từng lọt TOP 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới dựa vào các chỉ số hạ tầng, môi trường; đứng thứ 2 trong TOP 11 điểm đến tốt nhất châu Á do Tạp chí Condé Nast bình chọn.