TP. HCM dự chi gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam

Công trình này sẽ tạo ra một trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam của thành phố, kết nối khu vực phía Nam với trung tâm TP. HCM và TP. Thủ Đức ở phía Đông.

Tại cuộc họp về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, Văn phòng UBND TP. HCM đã thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, ông Bùi Xuân Cường. Theo đó, ông chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và yêu cầu xác định mốc thời gian cụ thể cho các dự án trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Dẫn tin từ báo Thanh Niên, UBND TP. HCM đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, với chiều cao tĩnh không là 80m x 15m và quy mô 6 làn xe (bao gồm 4 làn ô tô và 2 làn xe hỗn hợp). Đây là bước cần thiết để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đã được phê duyệt vào năm 2013, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ kết nối quận 7 với quận 2 (nay là TP. Thủ Đức), ban đầu với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu và đánh giá của đơn vị tư vấn cho thấy, cầu Thủ Thiêm 4 cần mở rộng quy mô mặt cắt ngang lên 6 làn xe để đáp ứng dự báo lưu lượng giao thông đến năm 2050, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Dự thảo Quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, đã cập nhật quy mô cầu Thủ Thiêm 4 là 6 làn xe. Theo định hướng này và nhu cầu thực tế, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài tuyến khoảng 2,16km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 1.635m.

TP. HCM dự chi gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam - Nguồn: báo Lao Động
TP. HCM dự chi gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam - Nguồn: báo Lao Động

Có hai phương án về chiều cao tĩnh không thông thuyền của cầu chính qua sông Sài Gòn.

Phương án 1 với chiều cao 80m x 10m có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.365 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án này hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Phương án 2, với chiều cao tĩnh không 80m x 15m, có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.840 tỷ đồng, cao hơn khoảng 10% nhưng lại thuận lợi cho các phương tiện giao thông đường thủy có kích thước lớn, đặc biệt là các tàu nhà hàng phục vụ du lịch trên sông Sài Gòn.

TP. HCM đã quyết định chọn phương án 2, với chiều cao tĩnh không 80m x 15m và kết cấu nhịp cầu cố định, không có giải pháp nâng, mở. Công trình này sẽ tạo ra một trục giao thông mới theo hướng Bắc - Nam của thành phố, kết nối khu vực phía Nam với trung tâm TP. HCM và TP. Thủ Đức ở phía Đông, giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường như Nguyễn Tất Thành - cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ…, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.

Cùng với các dự án như nút giao An Phú, Quốc lộ 50, các dự án khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3, và các tuyến đường trên cao, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, góp phần cải thiện diện tích giao thông, không gian cây xanh, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị và giảm tai nạn giao thông.

Lan Ngọc

Theo Chất lượng và cuộc sống