TP.HCM gọi đầu tư vào 40 dự án công nghiệp văn hóa
TP.HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án ngành văn hóa - thể thao nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại TP lớn nhất cả nươc.Ngày 15/10, UBND TP. HCM đã tổ chức .
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao TP.HCM năm 2024, lãnh đạo TP cho biết, TP. HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND TPHCM thông qua danh mục đầu tư. Trong đó có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả.
Số liệu ước tính tại đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, tiềm năng về phát triển công nghiệp văn hóa của TP. HCM còn rất lớn nhưng chưa được khai thác tốt. Các thiết chế văn hóa, thể thao so với yêu cầu của đô thị trung tâm chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm, đến hiện tại thành phố chưa tổ chức được sự kiện như đăng cai SEA games, các sự kiện châu lục, thế giới.
Chính quyền thành phố mong muốn cùng các nhà đầu tư, các bên có liên quan cùng giải bài toán này, để đến năm 2030, TP. HCM có các thiết chế văn hóa đủ sức tổ chức các sự kiện ngang tầm châu lục, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.
Ông Nguyễn Hồng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM- HFIC cho biết, những dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa khi vay vốn tại HFIC sẽ được TP. HCM xem xét, hỗ trợ lãi suất theo Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ thiết bị được hỗ trợ tối đa là 85%, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.
Căn cứ quy mô, trường hợp được thành phố phê duyệt, các dự án đơn vị quan tâm sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Trong đó, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. HCM (Agribank, BIDV, Vietcombank, và Vietinbank) cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Trường hợp lãi suất cho vay của HFIC chênh lệch với mức lãi suất được hỗ trợ thì chủ đầu tư có trách nhiệm cân đối phần chênh lệch lãi suất không được hỗ trợ.
Đối với các loại hợp đồng BT, đã dừng thực hiện từ năm 2020, theo đại diện Sở Kế hoạch- Đầu tư, tùy thuộc vào tính chất dự án và năng lực tài chính, các nhà đầu tư đề xuất hỗ trợ, vốn nhà nước có thể tham gia 50% vào các dự án này.
Với các dự án BOT, BOO, trong quá trình thực hiện doanh thu thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư 50% tổng chênh lệch giữa mức 75% trong mức doanh thu thực tế và mức doanh thu trong phương án tài chính.