TP. HCM sắp có tuyến đường trên cao gần 6.000 tỷ đồng dẫn tới một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam
Đây là trục huyết mạch ở cửa ngõ Tây Bắc, kết nối các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn với trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất.
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM mới đây đã có tờ trình kế hoạch đầu tư các công trình giao thông trọng điểm tập trung thực hiện trên thành phố trong giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, kế hoạch này nhằm đưa ra lộ trình, xác định dự án cần ưu tiên bố trí ngân sách, hoặc chủ động phương án kêu gọi vốn từ bên ngoài nhằm sớm triển khai.
Dự án xây tuyến trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa được nghiên cứu với chiều dài 11,2km, 4 làn xe, từ ngã tư An Sương đến khu vực sân bay.
Công trình dự kiến thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách tham gia khoảng 50% tổng đầu tư - tương đương gần 6.000 tỷ đồng. Còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.
Tuyến trên cao sẽ chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa đường Trường Chinh, Cộng Hòa, nên ước tính chi phí giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 800 tỷ đồng. Việc này được cho là khả thi, giảm tiền đền bù hơn so với mở rộng qua hai bên.
Trường Chinh - Cộng Hòa là trục huyết mạch ở cửa ngõ Tây Bắc, kết nối các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn với trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, giao thông trên hai tuyến này hiện đều vượt năng lực thiết kế, thường xuyên ùn tắc.
Ngoài tính toán triển khai dự án đường trên cao, tại khu vực trên còn một loạt công trình trọng điểm được Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã đề xuất ưu tiên thực hiện để giảm ùn tắc, hoàn thiện mạng lưới giao thông.
Cụ thể, thành phố sẽ cải tạo Quốc lộ 22, từ nút giao An Sương (quận 12) đến Vành đai 3 (huyện Củ Chi,) dài hơn 9km, mở rộng lên 60m, kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng; đường Trường Chinh, đoạn dài gần 800m, từ Cộng Hòa đến Âu Cơ - điểm ùn tắc nhiều năm nay cũng sẽ được mở rộng, kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, trục đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Bình Long đến Cộng Hòa, tách thành hai dự án riêng cũng dự kiến được mở rộng từ 8 lên 30m, tổng vốn khoảng 5.700 tỷ đồng.
Được biết, hiện nay, TP. HCM được quy hoạch 5 đường trên cao dài gần 71km, nhưng hiện chưa có tuyến nào được đầu tư.
Trước đó, một số dự án như tuyến Số 5 giai đoạn một (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu làm theo hình thức PPP. Ngoài tuyến này, đường trên cao Số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố) đang được đề xuất sớm thực hiện.
Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất chính là một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.500ha, được quy hoạch trở thành trung tâm kết nối giao thông trong và ngoài nước.