TP. HCM ‘thúc’ dự án cầu Thủ Thiêm 4, tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng
Kết nối giao thông thành phố Thủ Đức và quận 7, cầu Thủ Thiêm 4 có mức đầu tư dự kiến 5.300 tỷ đồng, kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông giữa khu Nam Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 được UBND TP. HCM phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2016. Công trình bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh theo dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để kết nối vào đường Lưu Trọng Lư. Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, rồi nối với trung tâm thành phố Thủ Đức tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.
Cầu có chiều dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h.
Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu Nam Sài Gòn về khu trung tâm, đồng thời giúp TP. Thủ Đức phát triển nhanh. Cầu Thủ Thiêm 4 được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trước đây, dự án dự kiến thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng sau khi hình thức này bị loại bỏ trong Luật PPP (đối tác công tư), TP. HCM đã phải điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án đầu tư. Bởi vậy, nhiều năm qua dự án vẫn “treo” do chờ xác định phương án đầu tư mới.
Để dự án cầu Thủ Thiêm 4 sớm triển khai, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP vừa đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM và đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư dự án.
Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến triển khai dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028. Theo đó, Sở GTVT yêu cầu bổ sung các phương án kỹ thuật và tổ chức giao thông phía quận 7, phạm vi giải phóng mặt bằng (phạm vi ảnh hưởng đến cảng Tân Thuận khi triển khai thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4). Từ đó, phân tích kỹ các ưu điểm, nhược điểm của các phương án để đề xuất, kiến nghị chọn phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp, hiệu quả.
Vị trí cầu Thủ Thiêm 4
Đại diện Sở GTVT cho biết, để có mặt bằng thi công dự án cầu Thủ Thiêm 4, Sở sẽ có văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND quận 7, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn cung cấp thông tin liên quan đến hồ sơ pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu vực cảng Tân Thuận, thời gian thuê đất của các đơn vị tại các cảng trên sông Sài Gòn phía quận 7, lộ trình di dời cảng trên sông Sài Gòn về cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Đây là cơ sở để Sở GTVT TP. HCM trình UBND TP phương án di dời cảng Tân Thuận phía quận 7; chuẩn bị các hồ sơ pháp lý liên quan về thời gian thuê đất của các đơn vị tại cảng Tân Thuận, lộ trình di dời các cảng trên sông Sài Gòn, các quy hoạch có liên quan đến dự án... Đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND TP họp với Bộ GTVT, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn để thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và lộ trình di dời các cảng Tân Thuận phía quận 7.