TPHCM được thí điểm cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường tái định cư

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi; hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai 2013.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn Thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Thị trường bất động sản TP.HCM mấy năm nay gặp nhiều khó khăn. Lượng hàng tồn kho tăng nhanh là một trong nhiều vấn đề được đề cập đến trong văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây. Tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết hiện đã tăng 38%, lên đến hơn 223.000 tỷ đồng.

Theo HoREA, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng quá nhanh. Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, hiện lên đến 223.474 tỷ đồng. Trong đó có 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn có giá trị tồn kho từ 4.200 - 7.397 tỷ đồng. Hai tập đoàn hàng đầu chiếm 63% tổng tồn kho toàn thị trường.

Sự gia tăng lượng hàng tồn kho bất động sản sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho đã ra thành phẩm nhưng chưa bán được sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản, có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Hàng tồn kho thuộc nhóm dự án bị dừng triển khai, chưa ra sản phẩm sẽ khiến chi phí, lãi vay ngày càng lớn.

Do không có hàng để bán hoặc không bán được hàng nên hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2019 của đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết là 7%, lợi nhuận sau thuế tăng 11% trong khi mức tăng trưởng năm 2018 là 47%.

Để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản trước núi hàng tồn kho ngày càng lớn, HoREA cho rằng, các địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần giải quyết những vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính.

HoREA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đưa ra kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra để các chủ đầu tư chấp hành. Khi vướng mắc được tháo gỡ, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước, tiếp tục thực hiện dự án, bổ sung sản phẩm cho thị trường.

 

Theo Nhật Xuân/ Doanh nghiệp Việt Nam

 

 

Link nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tphcm-duoc-thi-diem-co-che-dac-thu-rut-ngan-thoi-gian-boi-thuong-tai-dinh-cu/20200311094634895

Tin liên quan