Trái phiếu doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết: Thận trọng...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra những rủi ro khi doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết phát hành trái phiếu, trong đó nguy cơ không trả được nợ rất lớn.

Báo cáo thị trường trái phiếu vừa được công bố bởi FiinGroup bày tỏ lo ngại về chất lượng các nhà phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp chưa niêm yết, mặc dù hầu hết là phát hành riêng lẻ và 86% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.

Theo FiinGroup, trong 9 tháng năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu, năng lực trả nợ vay rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần.

Mức độ đòn bẩy tính tới hiện tại còn cao còn nữa, khi giá trị trái phiếu phát hành mới bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết trong 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là con số tương đương 38% tổng tài sản của họ tại thời điểm cuối năm 2020, trong khi con số này với các doanh nghiệp đã niêm yết chỉ chiếm khoảng 4%.

Chia sẻ với những lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trái phiếu của những doanh nghiệp này có nhiều rủi ro.

Trước hết, doanh nghiệp chưa niêm yết không cần các xác nhận báo cáo tài chính, hoặc báo cáo tài chính của những doanh nghiệp này không cần kiểm toán một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Thứ hai, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết không thông qua thị trường chứng khoán, và họ cũng không cần bảo lãnh.

Chính vì vậy, đây là những trái phiếu có rủi ro rất lớn về khả năng trả nợ trong tương lai.

"Nếu doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu qua thị trường chứng khoán, báo cáo tài chính được kiểm toán, được ngân hàng đứng ra bảo lãnh phát hành thì sẽ giúp ghìm tỷ lệ phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu ở mức phù hợp.

Đằng này, lãi suất có thể rất cao, doanh nghiệp chưa niêm yết có thể có báo cáo tài chính  nhưng báo cáo ấy không được kiểm toán, tỷ lệ phát hành trái phiếu cao hơn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu thì không rõ họ bảo lãnh như thế nào?

Giả sử tài sản của doanh nghiệp chưa niêm yết chỉ có 1 trong khi giá trị trái phiếu phát hành là 8, thử hỏi doanh nghiệp lấy gì để bảo lãnh cho phần còn lại? Cho nên, ở đây có thể nghi ngờ rằng doanh nghiệp chỉ bảo lãnh một phần giá trị của đợt phát hành mà thôi, trong khi đó, nếu doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì chỉ được vay 70-80% giá trị tài sản bảo lãnh mà thôi.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp vay nợ ngân hàng thì số tiền vay sẽ được ngân hàng giải ngân dần theo tiến độ thực thi dự án, còn khi doanh nghiệp vay nợ thông qua phát hành trái phiếu, người mua trái phiếu không thể nắm được việc giải ngân như thế nào, doanh nghiệp sử dụng số tiền vay đó ra sao, hiệu quả  đến đâu cũng không thể biết được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và tương quan với nợ vay. Nguồn: FiinGroup  
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và tương quan với nợ vay. Nguồn: FiinGroup  

Bởi vậy, một lần nữa ông nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là rất rủi ro, nguy cơ doanh nghiệp không thanh toán được nợ và lãi, khả năng mất vốn của người mua trái phiếu là rất lớn.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn được tăng thêm vốn, nhưng vay ngân hàng thì khó khăn, vì vậy, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu được khuyến khích. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm không tương xứng với lượng vốn mà doanh nghiệp huy động, cũng không có bảo lãnh phát hành.

"Một vài doanh nghiệp thì không sao, nhưng hàng nghìn doanh nghiệp như vậy thì thị trường vốn và thị trường tài chính sẽ "điên đảo", khi ấy khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra", ông Thịnh cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh, rủi ro có thể xảy ra đối với toàn bộ thị trường tài chính, không chỉ riêng đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đến lúc các doanh nghiệp không trả được nợ vay và lãi, lập tức người mua trái phiếu sẽ đứng ra đòi vì sợ mất vốn nhưng khó đòi được, mà bán trên thị trường rất khó vì trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết gần như không lưu thông được trên thị trường. Khi ấy, nhà đầu tư mắc vốn vào đó, gắn năng lực tài chính của mình vào năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. 

Như báo cáo của FiinGroup đã chỉ ra, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành trái phiếu bất động sản Việt Nam cũng đang rất yếu trong khi chính các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán là các đơn vị mua trái phiếu này.

Bởi vậy, người mua trái phiếu nói chung và các ngân hàng nói riêng phải rất cẩn trọng. Thậm chí, cần lưu ý rằng, chính phủ Trung Quốc đề ra chuẩn mực cho các trái phiếu và điều kiện phát hành trái phiếu còn nghiêm ngặt hơn nhiều so với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhưng vẫn xảy ra hệ lụy: " rủi ro trong vụ Evergrande là tập đoàn phát triển bất động sản này đã huy động vốn quá lớn, huy động không chỉ vào bất động sản mà còn phục vụ nhiều mục đích khác, không may các mục đích đó đều bị lỡ dở nên cuối cùng doanh nghiệp không trả được nợ.

Ít ra các ngân hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu chọn mua trái phiếu tương đối an toàn, đó là trái phiếu của những doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, có kiểm toán và độ tin cậy nhất định. Đáng lo là nhà đầu tư nhỏ lẻ, vì ham lãi suất cao mà mua trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết, đem lại rủi ro cho chính mình", ông Thịnh nói.

Thành Luân

Theo Đất Việt