Trồi sụt quang mốc 120 triệu/lượng: Giá vàng không thể tăng mãi?

Sau một phiên giảm sâu, giá vàng trong nước quay đầu tăng trở lại. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trầm lắng, vàng tiếp tục là điểm đến của dòng tiền nhàn rỗi, bất chấp thị trường kim loại quý này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giá vàng trong nước hồi phục

Sáng 24/4, giá vàng trong nước bất ngờ quay đầu tăng trở lại. Khảo sát lúc 9h sáng 24/4, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 119 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 121,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với phiên sáng qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn có sự chênh nhau khá lớn tại các nhà vàng. Tại SJC, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng lên 113,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 116,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 116,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 119,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Giá vàng trong nước tăng trở lại một phần nhờ vào sự phục hồi của giá vàng thế giới. Rạng sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 3.357,9 USD/ounce, tăng 87,9 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6/2025 trên sàn Comex New York ở mức 3.362,2 USD/ounce.

Giá vàng liên tục trồi sụt trong những phiên gần đây.
Giá vàng liên tục trồi sụt trong những phiên gần đây.

Trong những phiên gần đây, giá vàng thế giới đã sụt hơn 3% so với mức đỉnh lịch sử vừa thiết lập, khi loạt tín hiệu mới từ chính trường Mỹ và đà phục hồi mạnh của đồng USD khiến thị trường kim loại quý rung lắc.

Theo ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại UBS, những phát biểu gần đây của Tổng thống Donald Trump, bao gồm thái độ hòa giải hơn với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lập trường có phần mềm mỏng hơn với Trung Quốc, đã xoa dịu một phần tâm lý bất ổn trên thị trường tài chính. Điều này đang làm giảm động lực nắm giữ vàng của một bộ phận nhà đầu tư.

Cùng thời điểm, chỉ số Dollar Index (DXY) bất ngờ vượt mốc 99 điểm, tăng từ vùng 98 điểm chỉ trong một phiên, tạo thêm áp lực giảm lên giá vàng do làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Tuy vậy, giới phân tích vẫn giữ lập trường tích cực về xu hướng giá vàng trong trung và dài hạn. Trong một diễn biến đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Mỹ trong năm nay, với nguyên nhân chính là các chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Trump - yếu tố được đánh giá có thể tiếp tục khơi dậy tâm lý phòng thủ trên thị trường.

Trước bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát còn tiềm ẩn, nhu cầu đối với vàng được dự báo sẽ duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, JPMorgan mới đây đưa ra dự báo rằng giá vàng có thể bứt phá vượt mốc 4.000 USD/ounce vào năm sau.

Vàng liệu có tăng mãi?

Giá vàng trong nước những ngày gần đây liên tục biến động mạnh, với những nhịp tăng – giảm khó lường khiến thị trường không khỏi dậy sóng. Tuy nhiên, bất chấp sự bất ổn ngắn hạn, vàng vẫn đang là lựa chọn xuống tiền của không ít nhà đầu tư cá nhân.

Điều này không quá khó hiểu. So với các kênh truyền thống như bất động sản vốn cần nguồn vốn lớn hay gửi tiết kiệm đang chịu áp lực từ lãi suất thấp, vàng nổi lên như một kênh đầu tư linh hoạt, dễ tiếp cận, và đặc biệt là có mức sinh lời đáng chú ý. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 45%, vượt xa mức 85 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi đầu năm - một con số mà hiếm kênh đầu tư “phổ thông” nào có thể theo kịp.

Dòng tiền trên thị trường cũng đang phần nào phản ánh xu hướng này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng tính đến tháng 1/2025 chỉ đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm ngoái. Việc dòng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn cho thấy xu hướng tìm kiếm các lựa chọn sinh lời khác, mà ở đó, vàng đang là điểm đến nổi bật.

Không chỉ hấp dẫn về mặt lợi nhuận, đầu tư vàng còn được ưa chuộng nhờ tính đơn giản và dễ tiếp cận. Khác với bất động sản hay chứng khoán, nơi nhà đầu tư phải cân nhắc nhiều yếu tố như pháp lý, vị trí, phân tích kỹ thuật hay biến động thị trường, vàng chỉ cần mua, cất giữ và chờ đợi. Với nhiều người, đó không khác gì một hình thức “tiết kiệm có lãi”, nhất là khi vàng đã khẳng định được vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh biến động.

Vì thế, không ít nhà đầu tư vẫn quyết đoán nhập cuộc, với tâm lý “đỉnh hôm nay có thể là đáy ngày mai”, ngay cả khi thị trường đang trong trạng thái quá nóng.

Nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng.
Nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng.

Chính tâm lý này đang góp phần tạo ra làn sóng “mua vàng bằng mọi giá”. Tại nhiều điểm bán vàng lớn ở Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người dân xếp hàng dài, thậm chí từ sáng sớm để hy vọng mua được vài chỉ vàng. Nhiều cửa hàng liên tục thông báo hết vàng miếng SJC, hết vàng nhẫn, buộc khách phải đặt trước hoặc quay lại vào hôm sau.

Dù không thể phủ nhận mức lợi suất ấn tượng mà vàng mang lại trong thời gian qua, song giới chuyên gia đang đồng loạt phát đi tín hiệu cảnh báo: nhà đầu tư cá nhân cần giữ sự tỉnh táo, nếu không muốn trở thành người "ôm rủi ro" cuối cùng trong một cuộc chơi nhiều biến số.

Thực tế cho thấy, giá vàng trong nước hiện đang dao động với biên độ lớn, mỗi nhịp điều chỉnh có thể chênh lệch tới vài triệu đồng/lượng. Chưa kể, mức chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra. Nhiều doanh nghiệp niêm yết giá bán ra cao hơn giá mua vào tới 2,5 - 3 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua trong trường hợp biến động.

Không dừng lại ở đó, yếu tố đầu cơ và thao túng cũng đang khiến thị trường vàng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Theo ThS. Nguyễn Thị Tiến - Giảng viên Khoa Kinh tế - Tài chính, Đại học Duy Tân, giá vàng trong nước vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ thị trường thế giới - nơi các tổ chức tài chính lớn và nhóm đầu cơ có tiềm lực đang nắm trong tay công cụ và nguồn lực để tạo ra sóng giá.

“Khi thị trường thế giới còn có thể bị thao túng, thì thị trường nội địa lại càng dễ trở thành ‘sân chơi’ của các ông lớn. Nhà đầu tư nhỏ lẻ rất dễ rơi vào cảnh ‘đổ vỏ’ cho các đại gia tài chính giống như thị trường chứng khoán trước đây”, bà nói.

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Thị Tiến nhấn mạnh: “Giống như mọi loại tài sản khác, vàng không thể tăng mãi. Sẽ đến lúc nhà đầu tư phải tự hỏi: liệu mình có đang định giá vàng quá cao so với giá trị thực của nó hay không?”. Khi nền kinh tế phục hồi, những nhà đầu tư dài hạn có xu hướng chuyển dòng tiền sang các kênh sản xuất, kinh doanh hoặc cổ phiếu. Khi đó, thị trường vàng có thể chỉ còn là sân chơi của các nhà đầu tư lướt sóng với nhiều rủi ro lớn hơn, bà nói.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance