PNJ suy giảm lợi nhuận vì giá vàng leo thang
Trong bối cảnh thị trường trang sức chịu nhiều áp lực từ giá vàng tăng cao và sức mua chưa phục hồi, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 suy giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng, giảm 23,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng, giảm 8,1%.
Kết quả này phản ánh phần nào sự thận trọng trong định hướng mà ban lãnh đạo PNJ đã đưa ra từ đầu năm. Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên (dự kiến diễn ra ngày 26/4) công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với mức thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục 2.113 tỷ đồng đã ghi nhận trong năm trước. Tính đến hết quý I, PNJ đã hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ban lãnh đạo PNJ đánh giá ngành kim hoàn trong năm 2025 sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ cả phía cung và cầu. Giá vàng thế giới neo cao kéo dài làm gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, trong khi tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn chi phối hành vi người tiêu dùng, đặc biệt ở phân khúc hàng xa xỉ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí rút lui khỏi thị trường. Ngược lại, PNJ lựa chọn chiến lược phòng thủ chủ động, tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, tăng năng lực sản xuất và đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nền tảng.
Song song với việc củng cố lĩnh vực truyền thống, PNJ đang mở rộng định hướng chiến lược theo xu hướng phong cách sống (lifestyle) – nơi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến giá trị trải nghiệm và cá nhân hóa. Tổng giám đốc Lê Trí Thông cho biết công ty sẽ đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm trang sức dành cho nam giới – phân khúc giàu tiềm năng nhưng chưa được chú trọng trong ngành kim hoàn.
Đồng thời, PNJ cũng tăng cường tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, đặc biệt là thế hệ sinh cuối thập niên 1990 – lực lượng tiêu dùng mới với kỳ vọng cao hơn về thẩm mỹ, công nghệ và trải nghiệm thương hiệu. Đây được xem là một trong những động lực trung và dài hạn mà PNJ theo đuổi trong chiến lược mở rộng thị phần thời gian tới.

Quay trở lại với kết quả kinh doanh quý I của PNJ, ở mặt tích cực, doanh thu từ kênh bán lẻ trang sức tăng 6% so với cùng kỳ – một kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường chung chững lại. Công ty cho biết động lực tăng trưởng đến từ việc mở thêm cửa hàng, đồng thời triển khai hiệu quả các chiến dịch bán hàng trong mùa cao điểm đầu năm.
Doanh thu bán sỉ trang sức cũng tăng mạnh 22,8%, đạt 1.156 tỷ đồng, chiếm 12% cơ cấu tổng doanh thu. Ở chiều ngược lại, doanh thu vàng 24K giảm gần 66% do nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn kéo dài từ cuối năm 2024. Theo PNJ, đây là bước đi có chủ đích nhằm tái phân bổ nguồn lực cho mảng trang sức – lĩnh vực cốt lõi trong chiến lược dài hạn.
Nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, biên lợi nhuận gộp quý I cải thiện lên 21,3%, so với 17,1% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng doanh thu từ trang sức bán lẻ tăng mạnh lên 69,3%, từ mức 50,5% của quý I/2024. Biên lợi nhuận ròng đạt 7,0%, giảm nhẹ so với quý IV/2024, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng ba quý đầu năm ngoái.
Chi phí hoạt động trong kỳ giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ, dù số lượng cửa hàng và nhân sự tăng theo kế hoạch mở rộng. Tính đến cuối tháng 3, PNJ vận hành 429 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm 421 cửa hàng PNJ, 4 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 trung tâm bán sỉ.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tuần này, dựa trên cơ sở kết quả tích cực, hội đồng quản trị PNJ đề xuất chia cổ tức 20% bằng tiền mặt, đúng theo kế hoạch. Trong đó, công ty đã tạm ứng 6% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục chi trả 14% còn lại, tương ứng khoảng 473 tỷ đồng.
PNJ cũng đề xuất trích 40% lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển và 5% vào quỹ khen thưởng, phúc lợi. Chính sách cổ tức tiền mặt duy trì ổn định phản ánh định hướng cân bằng giữa lợi ích cổ đông và yêu cầu tái đầu tư cho tăng trưởng bền vững.