Trung Nam Group: Miệt mài gọi vốn qua kênh trái phiếu, “gánh nợ” hàng chục nghìn tỷ đồng trong vòng 2 năm
Kể từ khi lấn sân sang mảng năng lượng, Trung Nam Group đã liên tục huy động vốn thông qua kênh trái phiếu. Tính trong 2 năm 2020 và 2021, nhóm Trung Nam Group đã huy động khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất trung bình từ 9,5%/năm.
Miệt mài ‘gọi vốn’ qua kênh trái phiếu
Theo thông tin được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, kể từ đầu năm 2022 đến nay, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã huy động thành công 2.700 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.
Cụ thể, Trung Nam vừa công bố phát hành thành công 700 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu gồm: lô trái phiếu có mã TNGCH2223001 với giá trị 400 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, thời gian thực hiện từ ngày 16/3 – 17/5/2022 và lô trái phiếu có mã TNGCH2223002 có giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, thời gian thực hiện từ ngày 22/3-16/6/2022.
Trước đó, vào ngày 5/4 Trung Nam Group cũng đã huy động được 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm (đáo hạn vào ngày 5/4/2024). Các thông tin khác như trái chủ, lãi suất và mục đích phát hành không được doanh nghiệp công bố.
Như vậy, chỉ trong nửa năm 2022, Trung Nam Group đã huy động 2.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Trước đó, vào năm 2021 Xây dựng Trung Nam cũng đã trải qua 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Các lô trái phiếu lần lượt có mã TNGCB2124001 (giá trị 2.000 tỷ) và lô trái phiếu có mã TNGCB2122002 (600 tỷ đồng).
Ngoài CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, một cái tên khác trong hệ sinh thái Trung Nam Group cũng gây chú ý khi huy động hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trong thời gian ngắn đó là Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1.
Cụ thể, trong năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã trải qua 12 lần phát hành trái phiếu với lượng vốn huy động lên đến 10.850 tỷ đồng.
Lô trái phiếu gần nhất được doanh nghiệp này phát hành có mã TD1CB2126002 với kỳ hạn 61 tháng (đáo hạn vào ngày 29/07/2026). Giá trị của lô trái phiếu là 600 tỷ đồng với lãi suất 9,5%/năm.
Mục đích phát hành nhằm đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam có vị trí tại các xã Ea Nam, EA Khal, Dliê Yang thuộc huyện EA H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Có thể thấy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng từ tháng 9 đến tháng 11/2021, doanh nghiệp này đã huy động thành công 4 lô trái phiếu 4 lô trái phiếu với các mã trái phiếu lần lượt là: TD1CB2135010, TD1CB2135009, TD1CB2135007 và TD1CB2135008.
Trong đó, lô trái phiếu có giá trị lớn nhất (2.000 tỷ) được phát hành vào ngày 1/11/2021 (mã trái phiếu là TD1CB2135007). Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 5.016 ngày, đáo hạn vào ngày 29/7/2035.
Các lô trái phiếu còn lại có giá trị lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 750 tỷ đồng.
Các thông tin cơ bản khác như tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu, lãi suất, trái chủ mua trái phiếu hay mục đích phát hành không được phía doanh nghiệp công bố.
Cũng chỉ trong ngày 7/6/2021 doanh nghiệp đã phát hành liên tiếp 4 lô trái phiếu với các mã trái phiếu lần lượt là TD1CB2122001 (giá trị 60 tỷ đồng), TD1CB2130003 (giá trị 960 tỷ đồng), TD1CB2134004 (giá trị 1.130 tỷ đồng) và TD1CB2135005 (giá trị 250 tỷ đồng).
Theo thông tin được công bố, đây đều là các trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần của các cổ đông tại CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1; toàn bộ tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả tài sản hình thành trong tương lai) thuộc Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam; động sản là toàn bộ máy móc, thiết bị thuộc dự án và toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án.
Các lô trái phiếu có lãi suất cố định ở mức 9,5%/năm. Đơn vị đứng ra thu xếp cho các thương vụ từ tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành đến đăng ký và lưu ký là CTCP Chứng khoán VNDirect.
Như vậy, kể từ năm 2021 đến nay, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã trải qua 12 đợt phát hành trái phiếu với giá trị lên đến 10.850 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng Xây dựng Trung Nam và Trung Nam Đắk Lắk 1, kể từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại hai doanh nghiệp này đã ‘bỏ túi’ khoảng 16.150 tỷ đồng trái phiếu với kỳ tính lãi 3 hoặc 6 tháng/ lần, lãi suất 9,5 – 11%/năm.
Với số lượng trái phiếu ‘khủng’ như đã đề cập ở đầu bài thì có thể thấy cứ sau 6 tháng số tiền lãi đặt trên vai Trung Nam group vào khoảng hơn 1000 tỷ đồng và đến khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính khoảng 3 năm thì khối nợ này đã lên tới gần 30.000 tỷ đồng.
Ngoài hai cái tên đáng chú ý trên, hệ sinh thái Trung Nam Group còn có rất nhiều công ty thành viên khác và đều phát hành trái phiếu lượng lớn thời gian qua. Đơn cử như trường hợp Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam. Hay CTCP Trung Nam cũng đã phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu hồi cuối năm 2020. Ngoài ra cũng phải kể đến Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh.
Nhiều dự án lớn của Trung Nam Group bị ‘mắc cạn’
Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực Thủy điện, xây dựng, bất động sản…Những năm gần đây, Trung Nam Group đã có những động thái ‘lấn sân’ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo bằng một số dự án điện mặt trời, điện gió.
Mới đây, Trung Nam Group là cái tên xuất hiện trong danh sách 5 nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng của tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, một thành viên thuộc Trung Nam Group là Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải xin được chỉ định thầu thực hiện các gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với chiều dài khoảng 100km. Dự kiến tổng giá trị các gói thầu mà đơn vị này đề nghị khoảng 20.000 tỷ đồng với cao tốc quy mô 4 làn xe.
Trung Nam Group còn được biết đến là ‘chủ’ dự án Khu đô thị sinh thái Golden Hills tại Đà Nẵng (Trung Nam Land làm chủ đầu tư).
Theo giới thiệu của Trung Nam Group, dự án có diện tích 381 ha nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài và tiếp giáp sông Cu Đê. Dự án được chia thành 5 khu (Gồm: đất ở liền kề, đất biệt thự, nhà trẻ, trường học, khu thương mại dịch vụ, quảng trường, công viên và trung tâm vui chơi, giải trí).
Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư 1,67 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, Trung Nam Group đã âm thầm sửa lại tổng mức đầu tư của dự án Golden Hills chỉ là 4.900 tỷ đồng.
Mặc dù đã giảm mức đầu tư xuống đáng kể nhưng giường như Trung Nam vẫn không đủ năng lực thực hiện dự án. Theo đó, doanh nghiệp đã phải ký hợp đồng với Kita Land và Cen Lan. Trong đó, Kita Land tham gia với vai trò là đơn vị đồng đầu tư; CenLand là đơn vị phân phối độc quyền dự án Golden Hills.
Chưa hết, nhằm cung cấp nguồn vốn ‘rót’ vào thực hiện nhiều dự án đang bị ngưng trệ Trung Nam Group đã bán 49% cổ phần của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) vào tháng 4/2021. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Nằm tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nhà máy này hoàn thành sau gần 12 tháng thi công, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin.
Một dự án đáng chú ý khác cũng đang trong trạng thái ‘ngủ đông’ của Trung Nam Group là dự án BT chống ngập 10.000 tỷ tại TP Hồ Chí Minh. Dự án đã được thi công hơn 6 năm và chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu đến gần 4 năm (dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018).
Trung Nam Group cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn dự án đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc. Hiện một số hạng mục tại các cống của dự án như kè mang cống, thảm đá lòng sông, khu nhà quản lý,… đang phải tạm dừng thi công.
Liên quan đến việc thực hiện dự án này, tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 7 vừa qua, ông Đặng Phú Thành – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Bình – Trưởng phòng kế hoạch đầu tư, Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng đô thị cũng cho biết thời gian qua, dự án gặp vướng liên quan đến thủ tục tái cấp vốn. TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết vướng mắc để công trình sớm hoàn thành đưa vào vận hành.
Nên biết, hiện Trungnam Group còn đang sở hữu đến 3 Nhà máy Thủy điện và 7 dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư và đi vào hoạt động trên khắp các tỉnh thành cả nước, trong đó, tiêu biểu là dự án Điện mặt trời Thuận Nam – Ninh Thuận 450MW lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng, đã được khánh thành vào 12/10/2020.
Theo sau là một số dự án quy mô tầm cỡ khác, như dự án Điện gió Ea Nam – Đắk Lắk với công suất lên đến 400 MW, tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, dự án Điện mặt trời Thuận Bắc – Ninh Thuận 204MW khởi công từ 7/7/2018, dự án Điện mặt trời Trà Vinh 140MW, khởi công từ 19/1/2019.
Nổi bật nhất là cả 3 dự án điện gió ở EaNam – Đắk Lắk, điện gió số 5 Phước Hữu Ninh Thuận và điện gió ngoài khơi Đông Hải 1 ở Trà Vinh đều vận hành trước giờ G, hạn 31/10/2021, kịp hưởng giá FIT ưu đãi của Chính phủ.