Trung tâm tài chính quốc tế: Điểm tựa vững chắc hay điểm yếu dễ tổn thương?
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế và thu hút FDI tài chính có thể trở thành điểm tựa mới, góp phần nâng cao sức chống chịu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Điểm tựa ổn định cho nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục đối mặt với các cú sốc từ lạm phát, bất ổn địa chính trị đến đứt gãy chuỗi cung ứng, năng lực chống chịu của mỗi nền kinh tế ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam, với độ mở kinh tế cao, không thể đứng ngoài những biến động đó.
Trên hành trình tìm kiếm điểm tựa mới nhằm củng cố nền tảng vĩ mô và bảo vệ hệ thống tài chính, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có thể trở thành “lá chắn” giúp Việt Nam nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc toàn cầu?

Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Tiến Chương - Giảng viên Đại học kinh tế, ĐHQGHN, Giám đốc công ty Đầu tư công nghệ tài chính QM Capital, cho rằng: “Trung tâm tài chính quốc tế hoàn toàn có thể trở thành một ‘điểm tựa ổn định’ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh bất định, song điều này phụ thuộc lớn vào mô hình kinh doanh chúng ta lựa chọn để định hình trung tâm. Cụ thể là lựa chọn tập trung phát triển lĩnh vực nào trong hệ sinh thái tài chính.”
Theo ông Chương, nếu trung tâm tài chính quốc tế tập trung phát triển thị trường trái phiếu – đặc biệt là trái phiếu chính phủ, trái phiếu xanh và các công cụ nợ có xếp hạng tín nhiệm cao – thì trong bối cảnh khủng hoảng, trung tâm có thể đóng vai trò như “vùng trú ẩn an toàn” cho dòng vốn. Bởi lẽ, nhà đầu tư quốc tế thường có xu hướng rút khỏi tài sản rủi ro và chuyển sang nắm giữ các công cụ nợ có tính thanh khoản cao, minh bạch và độ tin cậy lớn, như trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu ESG phát hành bởi các quốc gia có môi trường đầu tư ổn định.
TS Chương nhận định, nếu Việt Nam xây dựng được một thị trường trái phiếu sâu, có định giá chuẩn mực và giao dịch thuận lợi, dòng vốn quốc tế không chỉ không rút ra khi khủng hoảng xảy ra mà còn có thể tiếp tục đổ vào, góp phần duy trì thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá, lãi suất và tạo ra một “bộ đệm” giúp nền kinh tế hấp thụ các cú sốc.
“Đây là lợi thế rõ ràng của mô hình trung tâm tài chính thiên về tài sản an toàn,” ông Chương nhấn mạnh.
Ngược lại, nếu trung tâm tài chính quốc tế thiên về phát triển thị trường vốn cổ phần, gồm các hoạt động như niêm yết cổ phiếu, giao dịch chứng khoán, đầu tư mạo hiểm hay các sản phẩm đầu cơ cao thì trong giai đoạn bất ổn, trung tâm dễ trở thành nơi bị rút vốn đầu tiên. Khi đó, áp lực bán tháo cổ phiếu có thể kéo theo sụt giảm thanh khoản, rủi ro lan truyền và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính.
Bài học từ Singapore trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một minh chứng. Khi đó, Singapore – với mô hình trung tâm tài chính toàn diện nhưng thiên về vốn cổ phần và ngân hàng đầu tư đã chứng kiến dòng vốn ngoại rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán và các quỹ đầu tư, khiến chỉ số Straits Times sụt giảm hơn 50% chỉ trong vài tháng. Chính phủ Singapore buộc phải can thiệp mạnh để ổn định hệ thống tài chính.
Lựa chọn mô hình an toàn, hiệu quả
Từ những phân tích trên, TS Chương nhấn mạnh rằng khả năng chống chịu tài chính của một trung tâm không phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô, mà là cấu trúc rủi ro nội tại của thị trường. Do đó, Việt Nam cần khởi đầu với mô hình có trọng tâm “an toàn”. Chẳng hạn trái chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp xanh, ESG – phục vụ dòng vốn dài hạn và nhu cầu đầu tư trú ẩn; thị trường tài sản bảo hiểm (insurance-linked securities) hoặc các công cụ phòng vệ rủi ro; các sàn giao dịch tín chỉ carbon, thị trường tài chính xanh – tạo điểm đến cho vốn bền vững từ các định chế lớn.

“Trong giai đoạn sau, khi nền tảng ổn định vững chắc đã được hình thành, Việt Nam mới nên mở rộng trung tâm tài chính sang thị trường vốn cổ phần và sản phẩm phái sinh rủi ro cao hơn, với điều kiện có hệ thống giám sát và kiểm soát rủi ro đủ mạnh,” ông Chương nêu rõ.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho biết, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế không chỉ tạo ra lá chắn ổn định, mà còn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể thông qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực tài chính.
Ông Chương phân tích: “Nếu Việt Nam thu hút được khoảng 3–4 tỷ USD vốn FDI tài chính mỗi năm, phần đóng góp trực tiếp vào GDP có thể đạt khoảng 1,5 – 2 tỷ USD, nhờ đặc thù ngành tài chính có tỷ lệ giá trị gia tăng cao – như biên lãi ròng, phí dịch vụ, lương nhân viên... Khi cộng thêm hiệu ứng lan tỏa sang các ngành khác, tổng mức đóng góp có thể đạt 3–4 tỷ USD mỗi năm”.
Thực tế, theo ước tính quốc tế, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế, chẳng hạn tại Đà Nẵng có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 3–5 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,5–1% GDP trong trung hạn.
TS Chương cũng dự báo rằng khi tỷ trọng FDI vào tài chính – ngân hàng tăng lên 10% tổng FDI, cấu trúc FDI hàng năm của Việt Nam sẽ thay đổi rõ rệt. Hiện FDI chủ yếu tập trung vào chế biến chế tạo (trên 60%) và bất động sản (10–15%), trong khi tài chính mới chỉ chiếm khoảng 4%. Nếu xu hướng mới diễn ra, tài chính sẽ vươn lên nhóm ba lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất, sánh ngang với sản xuất điện năng, đồng thời giúp cơ cấu FDI trở nên cân bằng hơn.
Từ góc độ cơ cấu kinh tế chung, dòng vốn FDI tài chính cũng sẽ thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng trưởng, góp phần nâng tỷ trọng khu vực này trong GDP lên trên 50%. Khu vực FDI sẽ đóng vai trò lớn hơn trong ngành tài chính – lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do doanh nghiệp trong nước nắm giữ.
“Đến năm 2030, với sự hiện diện của trung tâm tài chính quốc tế và dòng vốn quốc tế gia tăng, Việt Nam sẽ có cơ cấu kinh tế hiện đại hơn – cả về quy mô tuyệt đối lẫn tương đối của khu vực tài chính – ngân hàng. Điều này phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ và nâng tầm vai trò của Việt Nam trên bản đồ tài chính khu vực,” ông Chương nhấn mạnh. Theo ông, trung tâm tài chính quốc tế có thể là lá chắn vững chắc hoặc điểm yếu dễ tổn thương tùy thuộc vào mô hình kinh doanh cốt lõi được lựa chọn từ đầu. Với Việt Nam, việc ưu tiên thị trường trái phiếu và tài chính xanh trong giai đoạn đầu xây dựng trung tâm tài chính sẽ giúp tạo một nền tảng an toàn, ổn định, có khả năng hấp thụ sốc và giữ dòng vốn lại trong nước khi bất ổn xảy ra. Đây sẽ là chiến lược thông minh để vừa phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro một cách chủ động trong bối cảnh nền tài chính toàn cầu ngày càng khó đoán định.