'Chậm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đe dọa tăng trưởng dài hạn của Việt Nam'

Theo ông Richard D. McClellan, mô hình kinh tế tập trung vào xuất khẩu và chế biến chế tạo, không còn đủ để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việc chậm trễ trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá.

Xây dựng trung tâm tài chính: Chậm trễ sẽ mất cơ hội vàng

Phát biểu tại sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính”, ThS. Lưu Ánh Nguyệt - Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Trung tâm tài chính quốc tế là thành phố/khu vực có vai trò then chốt trong cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…). Trung tâm tài chính quốc tế hoạt động dựa trên nền tảng pháp lý minh bạch, hạ tầng phát triển, môi trường chính trị ổn định”.

Theo bà Nguyệt, trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là động lực cho nền kinh tế, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của một quốc gia. Với khả năng kết nối dòng vốn trong và ngoài nước, trung tâm tài chính đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Sự hiện diện của một trung tâm tài chính năng động còn nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Richard D. McClellan - Chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư, nhận định: “Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 40 năm đổi mới, chủ yếu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do và sự tăng trưởng kinh tế ổn định.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế hiện tại, tập trung vào xuất khẩu và chế biến chế tạo, không còn đủ để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế cao hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực, cũng như thực hiện các cải cách quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”.

Theo ông Richard D. McClellan, việc chậm trễ trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá. Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe từ FATF/OECD, cùng với thời gian cần thiết cho quá trình cải cách cho thấy sự cấp bách và cần thiết triển khai ngay lập tức.

“Việc chậm trễ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đại diện BIDV nhấn mạnh, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế mang đến nhiều cơ hội bứt phá cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trước hết, đây là cơ hội để thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn, giúp ngân hàng mở rộng quy mô tín dụng và đầu tư. Đồng thời, các ngân hàng thương mại có thể mở rộng thị trường hoạt động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị tài chính toàn cầu và từng bước nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ, tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn như Singapore hay Hong Kong.

Ngoài ra, việc chuẩn hóa hoạt động theo thông lệ quốc tế trong một môi trường tài chính minh bạch và chuyên nghiệp sẽ giúp ngân hàng nâng cao uy tín, cải thiện xếp hạng tín nhiệm và tăng khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế. Trung tâm tài chính còn là nền tảng thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng tốc chuyển đổi số và định hình mô hình ngân hàng số hiện đại, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Đặt nền móng cho trung tâm tài chính quốc tế

Lộ trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam được chia thành ba giai đoạn rõ ràng: giai đoạn 1 (2025 - 2030) tập trung vào thiết lập quản trị thí điểm và các biện pháp khuyến khích; giai đoạn 2 (2030-2035) nâng cấp khung pháp lý và mở rộng quy mô công nghệ tài chính; và giai đoạn 3 (sau năm 2035) hội nhập toàn cầu, phát triển tòa án trung tâm tài chính quốc tế và dẫn đầu trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số.

Tuy nhiên, theo ông Richard D. McClellan, việc Việt Nam nằm trong danh sách xám của Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) là một thách thức lớn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Giải quyết triệt để vấn đề này là yếu tố then chốt để đảm bảo sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế và sự thành công của trung tâm tài chính quốc tế.

“Việc tuân thủ các tiêu chuẩn của FATF là yếu tố sống còn cho sự thành công của một trung tâm tài chính quốc tế. Sự nghi ngại từ các ngân hàng và quỹ đầu tư toàn cầu, thể hiện qua việc hạn chế tham gia hoặc yêu cầu thẩm định kỹ lưỡng, có thể cản trở dòng vốn đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế. Nhận thức về sự lỏng lẻo trong quy định và giám sát sẽ làm suy yếu lòng tin vào các mô hình thử nghiệm của trung tâm tài chính quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hiệu quả hoạt động”, ông nhấn mạnh.

'Chậm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đe dọa tăng trưởng dài hạn của Việt Nam' - Ảnh 1
Theo ông Richard D. McClellan, việc tuân thủ các tiêu chuẩn của FATF là yếu tố sống còn cho sự thành công của một trung tâm tài chính quốc tế.

Vị chuyên gia này khuyến nghị, NHNN cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập lộ trình tuân thủ các khuyến nghị của FATF, đảm bảo rằng các quy định về sandbox phù hợp với các tiêu chuẩn chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT) ngay từ giai đoạn đầu. Việc NHNN chủ động truyền đạt rõ ràng tiến trình tuân thủ đến thị trường quốc tế là rất quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút đầu tư.

“NHNN cần thiết kế các cơ chế di chuyển vốn minh bạch và an toàn, có thể triển khai theo từng giai đoạn, đồng thời đảm bảo giám sát chặt chẽ các hoạt động AML/CFT để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách xám của FATF. Việc xây dựng khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, bao gồm cả các quy định về sandbox cho công nghệ tài chính, tài sản mã hóa và tiền điện tử, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn thận trọng phù hợp với Basel III, là cần thiết để tạo môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả cho trung tâm tài chính”, ông nói.

Trong khi đó, đại diện BIDV cũng cho rằng, quá trình hình thành trung tâm tài chính sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các ngân hàng Việt Nam. Trước hết là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt với các định chế tài chính quốc tế vốn có tiềm lực mạnh và mạng lưới toàn cầu rộng khắp. Cùng với đó, khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và khả năng tích hợp số khiến nhiều ngân hàng nội địa khó bắt kịp xu hướng hiện đại hóa, số hóa toàn diện.

Nguy cơ “quốc tế hóa áp lực” nhưng chưa đủ “quốc tế hóa năng lực” cũng đang hiện hữu, khi ngân hàng Việt phải vận hành trong môi trường quốc tế với các tiêu chuẩn khắt khe mà năng lực nội tại chưa thực sự tương xứng, đại diện BIDV nói.

Để thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, đại diện BIDV khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm ban hành nghị quyết chuyên đề với định hướng dài hạn và cơ chế đặc thù. Đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế (như mô hình GIFT City - Ấn Độ), tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên gia, và triển khai các dịch vụ phù hợp, tận dụng lợi thế nhân lực, hạ tầng chi phí thấp cùng tầm nhìn phát triển trung - dài hạn.

Trong khi đó, NHNN cần xây dựng không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho ngân hàng số, tài sản số, tài chính xanh, thanh toán quốc tế; đồng thời áp dụng cơ chế thí điểm linh hoạt và đối thoại chính sách định kỳ.

Đối với các ngân hàng thương mại, để bứt phá, các ngân hàng cần chủ động hội nhập, nâng cao năng lực, cung cấp dịch vụ tài chính cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế, tận dụng lợi thế chi phí thấp. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới toàn cầu và tham gia kiến tạo thể chế, dẫn dắt thử nghiệm các mô hình tài chính mới, đại diện BIDV nhấn mạnh.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance