Trước năm 2030, cao tốc gần 40.000 tỷ nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung sẽ được 'khơi thông'?
Tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung có tổng chiều dài 143,2km với tổng vốn đầu tư lên đến 37.653 tỷ đồng.
Theo Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai vừa đồng ý ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp nhận đề xuất phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 24,75m, chiều dài 143,2km với tổng mức đầu tư dự kiến 37.653 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là chuẩn bị đầu tư năm 2024-2025, triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030.
Lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND mỗi tỉnh tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính. Hướng tuyến đề xuất cho dự án về cơ bản đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Đình, Gia Lai thống nhất chủ trương đầu tư.
Cụ thể, điểm đầu của dự án nằm tại nút giao Quốc lộ 19B, Đường tỉnh 639 và đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Điểm cuối dự án tại nút giao đường Hồ Chí Minh (QL14), thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Dự án có tổng chiều dài khoảng 143,2km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 57,6km; đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85,6km.
Hiện nay, Quốc lộ 19 là tuyến đường duy nhất để kết nối tỉnh Bình Định với Gia Lai nói riêng và giữa Bình Định với Tây Nguyên nói chung. Tuyến đường này vẫn còn nhiều điểm khó khăn về yếu tố hình học, thời gian hành trình từ Bình Định đến TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai hiện tại khoảng 3,5-4 giờ. Chính vì thế, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khi được đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hệ thông giao thông, gia tăng kết nối giữa các vùng miền, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung nói chung.
Công trình còn giúp kết nối hệ thống các cảng biển của khu vực Duyên hải miền Trung với khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Thái Lan, Myanmar, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển còn khoảng 1,5-2 giờ, cũng là tuyến đường cao tốc ngang trục Đông - Tây kết nối tuyến cao tốc trục Bắc - Nam đang hình thành.