Trước nguy cơ phá sản, Beton 6 vẫn sẽ “thay tướng” và xóa bỏ khoản nợ “khủng” gần 500 tỷ đồng

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 05/02/2021, CTCP Beton 6 (BT6) muốn lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc miễn nhiệm/bầu bổ sung thành viên HĐQT và xóa một khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị hơn gần 500 tỷ đồng.

Trước nguy cơ phá sản, Beton 6 vẫn sẽ “thay tướng” và xóa bỏ khoản nợ “khủng” gần 500 tỷ đồng - Ảnh 1

Ông Trịnh Thanh Huy sắp trở thành tân Chủ tịch HĐQT Beton 6

Ngày 25/12/2020 HĐQT Công ty Cổ phần Beton 6 đã ban hành quyết định về việc tổ chức lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản. Theo quyết định, BT6 sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 5/2/2021 tới với hai nội dung chính liên quan đến nhân sự trong đội ngũ HĐQT công ty cùng với đó là việc doanh nghiệp này muốn xóa bỏ khoản nợ khó đòi gần 500 tỷ đồng của các cá nhân và tổ chức.

Trước nguy cơ phá sản, Beton 6 vẫn sẽ “thay tướng” và xóa bỏ khoản nợ “khủng” gần 500 tỷ đồng - Ảnh 2

Quyết định tổ chức lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản. Nguồn Beton6.com

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, BT6 dự kiến trình cổ đông miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Văn Hiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng và ông Nguyễn Trọng Nghĩa theo nguyện vọng của 3 cá nhân này. Cái tên duy nhất ứng cử vào HĐQT là ông Lê Nguyễn Phương – Tổng Giám đốc. Nhiều khả năng BT6 sẽ hạ số lượng thành viên HĐQT từ 5 xuống còn 3 thành viên.

Đồng thời theo tờ trình ĐHCĐ về việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT được Beton 6 đưa ra, ông Trịnh Thanh Huy được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Văn Hiên.

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  

Trước thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ, nhân sự trong HĐQT của BT6 vẫn gồm 5 thành viên. Do đó, nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua, kể từ ngày 5/2, HĐQT của Beton sẽ gồm Chủ tịch Trịnh Thanh Huy và hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Lê Phương và ông Nguyễn Quang Minh.

Về phía tân chủ tịch của Beton6 – ông Trịnh Thanh Huy, có lẽ đây là cái tên không còn xa lạ với nhà đầu tư và giới kinh doanh. Ông Huy từng là Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) từ năm 1997 – 2002, cựu Tổng giám đốc của CTCP Bất động sản Bình Thiên An, Phó Chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng sáng lập của CTCP Thương mại Đầu tư HB.

Hình ảnh ông Huy cũng gắn liền với những biến cố của không chỉ Beton 6 mà còn ở CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon).

Đến tháng 10/2020, ông Huy đã có màn tái xuất ở Descon khi quay lại vị trí thành viên HĐQT. Ông Huy từng là thành viên HĐQT sau đó giữ chức Chủ tịch của Descon cho tới ngày 8/12/2016.

Vẫn sẽ xóa bỏ khoản nợ “khủng” trong bối cảnh sắp phá sản

Theo quyết định tổ chức lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản của BT6, tại ĐHĐCĐ sắp tới ngoài việc miễn nhiệm chủ tục cũ đồng thời bầu tân chủ tịch, BT6 cũng trình cổ đông thông qua việc xóa khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị hơn gần 500 tỷ đồng của các cá nhân và tổ chức. Đây đều là những khoản nợ đã tồn đọng từ rất lâu và gần như không có khả năng đòi.

Theo đó, danh sách nợ lên đến 220 cá nhân, tổ chức. Một số khoản nợ phải thu khó đòi lớn của BT6 như: Công ty TNHH MTV 3D – Long Hậu (hơn 151 tỉ đồng), Khu tái định cư Trương Đình Hội 2 (hơn 30 tỉ đồng), Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và xi măng HB (55 tỉ đồng), ông Trần Nguyễn Vũ (33 tỉ đồng).

Một số khoản nợ “khủng” khó đòi của BT6. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  
Một số khoản nợ “khủng” khó đòi của BT6. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  

Theo danh sách muốn xóa nợ trong tờ trình ĐHĐCĐ của BT6 nổi bật nhất là Công ty TNHH MTV 3D – Long Hậu với tổng khoản nợ lên đến hơn 151 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV 3D – Long Hậu với khoản nợ hơn 151 tỷ đồng. Nguồn: Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  
Công ty TNHH MTV 3D – Long Hậu với khoản nợ hơn 151 tỷ đồng. Nguồn: Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tờ trình ĐHĐCĐ 2021 của Beton6  

Theo tìm hiểu, Beton 6 tiền thân là công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Mỹ, chuyên sản xuất các loại cấu kiện bê tông cốt thép cầu đường tại miền Nam Việt Nam. Sau 30.4.1975, doanh nghiệp được Bộ Giao thông Vận tài tiếp quản, trong quá trình hoạt động đổi tên thành Công ty Bê tông 620

Ngày 28.3.2000, Công ty chính thức chuyển sang hình thức cổ phần với tên gọi CTCP Bêtông 620 Châu Thới. Ngày 18.4.2002, Beton 6 chính thức được niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 23.500 đồng/cổ phiếu cho ngày đầu tiên giao dịch.

Đến 27.11.2015, Công ty đã hủy niêm yết toàn bộ cổ phần của mình trên HOSE (gần 33 triệu cổ phiếu) với lý do tập trung cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Dù vậy, kể từ khi rời sàn HOSE, kết quả kinh doanh của Beton 6 bắt đầu lao dốc.

Được biết, đầu tháng 10/2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh 1 TP HCM đã báo rao bán khoản nợ của Beton 6. Khoản nợ này được VietinBank rao bán với giá trị bằng 1/5 giá trị nợ (tức khoảng 52 tỷ đồng).

Theo đó, tính đến ngày 31/07/2020, tổng giá trị khoản nợ được bán là 257 tỷ đồng. Trong đó gồm hơn 188 tỷ đồng tiền nợ gốc, hơn 47 tỷ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 21 tỷ đồng tiền lãi quá hạn. Toàn bộ khoản nợ được đấu giá với giá khởi điểm là 52 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào cuối năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã thông báo chào mời các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia xử lý các khoản nợ của Beton 6.

Trước những khó khăn chồng chất, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo Beton 6 cho biết, công ty đã nộp đơn yêu cầu phá sản đến Tòa Án và hiện Tòa đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty. Như vậy, nếu được phá sản, Beton 6 sẽ khép lại 60 năm hoạt động trong ngành bê tông.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh và Phát triển