TS. Cấn Văn Lực kiến nghị không mở karaoke, quán bar ở chung cư

Ở chung cư chỉ nên cho kinh doanh quán ăn, cà phê, và cần quy định luôn vào luật việc cấm kinh doanh quán bar, karaoke trong nhà chung cư vì loại hình này gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự và tiềm ẩn rủi ro cháy nổ rất lớn.

Không kinh doanh Karaoke, quán bar ở chung cư

Tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực nêu một vài vấn đề cần lưu ý. Theo đó, ông Lực cho rằng, định nghĩa 'nhà ở hình thành trong tương lai không cần giấy chứng nhận' cần rõ ràng hơn, bởi khi ngân hàng làm hồ sơ, liên quan tài sản đảm bảo thì cần công nhận.

Thứ hai, không nên mở karaoke, kinh doanh quán bar ở chung cư vì dễ mất an toàn, trừ nhà hàng, quán cafe. Nên có niên hạn sử dụng căn hộ chung cư, nhưng cần phân định rõ ràng hơn quy định 50-70 năm. Một vấn đề khác là chung cư mini buộc phải quản lý vận hành như chung cư bình thường.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội nghị
TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội nghị

Ngoài ra, ông Lực còn cho rằng, cần cho phép huy động vốn để đặt cọc, 10-30% cũng là một khoản lớn với người mua. Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà ở.

Bên cạnh đó ông Lực cũng khuyến nghị với loại hình chung cư mini đang phát triển nhiều ở đô thị hiện nay cũng cần được quản lý chặt như nhà chung cư bình thường để tránh rủi ro.

Còn về vấn đề niên hạn sử dụng chung cư , ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu ví dụ: "Khi chúng tôi thực hiện cải tạo chung cư cũ ở quận Hai Bà Trưng, 100% hộ gia đình đồng ý là rất khó khăn nên việc thống nhất sửa chữa cải tạo rất khó. Ngoài ra, tòa chung cư từ bê tông cốt thép thì không thể bền mãi theo thời gian”.

Ông Nguyễn Anh Quê cho rằng, cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Thời hạn chung cư có mốc nhất định, còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài. Khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Còn cơ quan nào đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng.

“Chúng ta đang có 1.557 chung cư cũ và hàng triệu tòa nhà sắp tới cần giải quyết, vậy nên việc quy định rõ ràng và hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn là rất quan trọng”, ông Quê phát biểu.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội, nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.

Người dân bỏ cả chục tỷ đồng để mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu vĩnh viễn. Hết hạn sử dụng nhà chung cư phải thẩm định chất lượng nhà ở, nếu còn an toàn thì cho ở tiếp, không an toàn phải đập bỏ để xây mới lại.

Ông Lực cũng cho rằng nên quy định niên hạn sử dụng nhà chung cư. Quyền sở hữu chung cư thì luật không cần đụng đến, nhưng nên làm rõ căn cứ để xác định chung cư có thời hạn sử dụng 50 năm, 70 năm hay 100 năm. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó gắn trực tiếp với giá bán nhà.

TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng quá trình sửa luật cần thống nhất, tránh luật này chéo luật kia, sửa luật nhưng không mâu thuẫn lẫn nhau, vẫn thống nhất, ổn định.

Theo ông Nghĩa, miếng đất, căn hộ là tài sản, việc sửa Luật nhà ở liên quan tới 2 vấn đề là quyền sở hữu tài sản, quyền tự do thương thảo của người dân, doanh nghiệp. Thông thường các nhà nước can thiệp hành chính vào quyền tài sản là để bảo đảm an toàn tài sản, chẳng hạn xe ô tô có quy định về đăng kiểm. Vì thế, sửa Luật nhà ở phải đặt vấn đề làm sao để quyền tài sản, quyền tự do giao dịch của người dân được bảo đảm.

Không phân biệt nhà ở xã hội, nhà công nhân

Bàn về nhà ở xã hội, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng - kiến nghị, nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân biệt là nhà ở công nhân. Hiện, các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới trung ương, nhưng tới nay chưa được giải quyết.

Không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở công nhân (Nguồn ảnh: Vietnamnet)
Không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở công nhân (Nguồn ảnh: Vietnamnet)

Ông Toản cũng chỉ ra vấn đề khó khăn thủ tục bán nhà ở xã hội. Theo quy định, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì mới được ký hợp đồng mua bán. Điều này làm mất thời gian, không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà.

“Tôi được biết là đang có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong. Tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, ông Toàn nói.

Ông kiến nghị, làm thế nào để quy trình phê duyệt nhà ở xã hội được đẩy nhanh, vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.

Kiến nghị nới quy định bán nhà cho người nước ngoài

Góp ý tại hội thảo góp ý dự thảo Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, ông Trương Anh Tuấn - chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân - đề xuất ngoài những vùng cần bảo đảm về an ninh quốc phòng cần nới tỉ lệ cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại một dự án từ 30% hiện nay lên 100% để thực hiện xuất khẩu bất động sản tại chỗ.

Ông Tuấn lập luận, một khu công nghiệp 1.000ha nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 50 năm, tại sao một tòa chung cư cũng có thời hạn sử dụng 50 - 70 năm lại phải giới hạn tỉ lệ diện tích nhà người nước ngoài được mua.

Kiến nghị nới quy định mua nhà cho người nước ngoài
Kiến nghị nới quy định mua nhà cho người nước ngoài

Về vấn đề này, ông Tuyến bày tỏ băn khoăn về việc Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam 50 năm, nhưng Luật đất đai chỉ cho tổ chức đầu tư nước ngoài được sở hữu đất, không cho cá nhân nước ngoài sở hữu đất.

Trong khi mọi căn nhà đều được xây dựng trên đất, không có chuyện họ mua, sở hữu nhà ở mà không có quyền sở hữu đất đai gắn với nhà.

Ủng hộ quan điểm cho rằng quy định sở hữu nhà ở với người nước ngoài cần mở hơn, nhưng TS. Cấn Văn Lực lưu ý cần có điều kiện cụ thể như với vùng nhạy cảm an ninh quốc phòng cho sở hữu ít, vùng không nhạy cảm cho sở hữu nhiều.

Ông Lực chia sẻ thêm thời gian qua có rất nhiều tổ chức tài chính nước ngoài muốn nhận thế chấp nhà ở tại Việt Nam nhưng quy định hiện hành không cho phép.

Để thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào thị trường bất động sản, ông đề xuất việc sửa Luật nhà ở lần này nên cho phép tổ chức tài chính nước ngoài được nhận thế chấp nhà của người Việt thông qua bên thứ 3 là tổ chức tín dụng trong nước.

Như vậy, vẫn kiểm soát được bất động sản và huy động thêm được vốn từ bên ngoài.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống