TS. Nguyễn Văn Đính: “Doanh nghiệp bất động sản lấy đâu ra tiền để trả nợ trái phiếu sắp đến hạn?”
Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS) bày tỏ quan điểm lo ngại về việc thu xếp nguồn vốn để trả nợ trái phiếu sắp đến hạn của nhiều doanh nghiệp.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Theo đó, trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2% (đương với 200.000 tỷ đồng), thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường.
Đánh giá về mức mức tăng trưởng tín dụng lần này, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng 200.000 tỷ là không “ăn thua” gì so với thị trường bất động sản.
Theo đó, ông Đính bày tỏ quan ngại về việc thu xếp nguồn vốn của doanh nghiệp khi sắp đến hạn trả nợ trái phiếu.
"Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. Khó khăn này làm giảm nguồn cung ra thị trường,... do dự án bị dừng lại", ông Đính băn khoăn.
Cũng theo ông Đính, việc dòng tiền bị “khựng” lại một cách đột ngột nhìn chung sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường nhưng mức độ ảnh hưởng lên từng nhóm đối tượng là khác nhau.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia cũng đưa ra quan điểm, room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chứ lượng tín dụng vào bất động sản không nhiều.
“Việc nhận định nới room tín dụng tác động tích cực đến thị trường bất động sản thì chủ yếu ở góc độ các doanh nghiệp được vay vốn, sản xuất, kinh doanh tốt lên thì tác động tích cực đến thị trường bất động sản thôi, còn việc nới room tín dụng có thể giải được cơn khát vốn của thị trường bất động sản thì không đúng”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế tài chính nhìn nhận.
Dưới góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng một khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản gặp khó thì sẽ có tác động không mấy tích cực đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế.
“Ngành bất động sản có sự lan tỏa ảnh hưởng tới hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Nếu các chủ dự án không có tiền thanh toán, các ngành nghề này cũng bị ảnh hưởng, dừng lại hoạt động do không có tiền để thanh toán cho tiền lương công nhân và các đầu vào của mình... gây ra hậu quả kinh tế chung”, ông Đính phân tích.