TS. Nguyễn Văn Đính : “Khoảng 200.000 tỷ đổ vào nền kinh tế cũng không thấm tháp gì so với bất động sản”

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hiện nhiều ngân hàng đã được nới “room” nhưng số tiền không nhiều, chỉ vài trăm nghìn tỷ và con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản.

Cụ thể, chia sẻ tại “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” diễn ra mới đây ông Đính cho rằng, vài trăm tỷ được bơm vào nền kinh tế khi nhiều ngân hàng được “nới room” tín dụng là không thấm tháp gì so với thị trường bất động sản.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng hạn mức tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.

Theo ước tính của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán ACBS thì cho biết, mức tăng hạn mức tín dụng toàn ngành khoảng 2% sẽ tương đương với 200.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.  
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.  

Với việc con số 200.000 tỷ là không “ăn thua” gì so với thị trường bất động sản thì vấn đề được ông Đính nhấn mạnh là doanh nghiệp địa ốc sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ trái phiếu đáo hạn và lãi trái phiếu trong thời gian tới. Cũng như việc dòng tiền trên thị trường bất động sản bị trục trặc đang ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ đầu tư dự án, khách hàng và các ngành có liên quan khác.

"Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. Khó khăn này làm giảm nguồn cung ra thị trường,... do dự án bị dừng lại", ông Đính băn khoăn.

Vị chuyên gia cũng đưa ra quan điểm, cũng phải hết sức cân nhắc, dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Chẳng hạn, đối với các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh thì cho tiếp cận. Tiếp theo là các dự án sắp hoàn thành thì phải tạo điều kiện tiếp tục hoạt động để tạo lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống