TT Trump áp thuế 46%: Doanh nghiệp Logisic hồi hộp chờ phản ứng
Các doanh nghiệp logistics chuyên làm dịch vụ hàng xuất sang thị trường Mỹ đang lo lắng chờ phản ứng khi Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump đã công bố một khuôn khổ thuế quan mới toàn diện vào ngày 2/4/2025 trong tuyên bố mà Nhà Trắng gọi là "Ngày giải phóng" của nước Mỹ. Kế hoạch này thiết lập mức thuế nhập khẩu cơ bản ban đầu là 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4, sau đó các mức thuế đối ứng bổ sung theo từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, các mức thuế này lên tới 46% theo thông báo của chính quyền Mỹ.
Ngay sau khi có thông tin này, các doanh nghiệp logistics chuyên làm dịch vụ hàng xuất sang thị trường Mỹ đang lo lắng chờ phản ứng mới nhất từ thị trường.

Một doanh nghiệp logistic tại Hải Phòng cho biết, hiện nay, đơn vị này đang có khoảng 300 cont hàng xuất đi Mỹ của nhóm sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời. Hiện nay, đơn vị này nhập các tấm pin năng lượng mặt trời về Việt Nam và thực hiện xuất sang thị trường Mỹ. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này thực hiện làm tất cả các việc từ lấy hàng ở nhà máy đến giao tận tay người nhận ở nước ngoài, bao gồm các thủ tục hải quan xuất, nhập, đặt tàu và vận chuyển từ cảng đến người nhận nước ngoài.
Một doanh nghiệp khác cũng đang thực hiện thủ tục hải quan, vận tải, logistic cho mảng tấm pin năng lượng mặt trời này cũng cho biết, hiện nay, đây là mảng chính đem lại doanh thu chính cho cả công ty với khối lượng hàng trăm cont/tháng.
Các DN logistics đang lo lắng các phản ứng tiêu cực khiến doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cũng sụt gỉam đơn hàng trong thời gian tới và điều này khiến dịch vụ của DN bị ảnh hưởng.
"Tất cả đang hồi hộp chờ phản ứng từ thị trường, chúng ta vẫn còn thời gian phản ứng và trông đợi lớn nhất là những cuộc đàm phán từ Chính phủ 2 nước", đại diện 1 DN cho biết
Báo cáo của VIS Rating cho biết, khi bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.