TTCK 2023 dự báo có nhiều 'sóng', đầu năm phòng thủ nhưng không bi quan

DSC dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 sẽ còn nhiều đợt rung lắc, tạo cả cơ hội đầu tư giá trị ở định giá thấp và cơ hội đầu cơ (trading) ngắn hạn.

TTCK 2023 dự báo có nhiều 'sóng', đầu năm phòng thủ nhưng không bi quan
TTCK 2023 dự báo có nhiều 'sóng', đầu năm phòng thủ nhưng không bi quan

80% khả năng kinh tế toàn cầu 2023 hạ cánh cứng hoặc suy thoái nhẹ

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 vừa công bố, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng câu chuyện về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có lẽ vẫn sẽ mang nhiều màu sắc ảm đạm. Đây là nhận định của hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới khi nhìn về triển vọng năm tới. Báo cáo của Fidelity đã đưa ra kịch bản đến 80% nền kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh cứng hoặc suy thoái nhẹ trong năm 2023. Bên cạnh kịch bản Suy thoái chu kỳ (suy thoái nhẹ) được đánh giá cao nhất thì vẫn có một xác suất không nhỏ đề cập đến khả năng suy thoái nặng – Suy thoái Bảng Cân đối kế toán.

Suy thoái bảng cân đối kế toán là một loại suy thoái kinh tế xảy ra khi các đơn vị, doanh nghiệp tập trung vào việc trả nợ do mất khả năng thanh toán, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc suy giảm.

80% khả năng kinh tế toàn cầu 2023 hạ cánh cứng (suy thoái Bảng CĐKT) hoặc suy thoái chu kỳ
80% khả năng kinh tế toàn cầu 2023 hạ cánh cứng (suy thoái Bảng CĐKT) hoặc suy thoái chu kỳ

Đối với nền kinh tế Việt Nam, thời gian qua, đã có dấu hiệu cho thấy một vài doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp với quy mô, vị thế đầu ngành rơi vào trạng thái như đã mô tả ở trên trong bối cảnh siết chặt thị trường trái phiếu và hết room tín dụng.

"Kịch bản rơi vào suy thoái sâu của Việt Nam chưa diễn ra và các sự việc xảy ra trong thời gian gần đây cũng chỉ mang tính thiểu số, tuy nhiên vẫn cần rất cẩn trọng và chung tay nỗ lực của nhà điều hành lẫn doanh nghiệp, người dân để vượt qua thách thức trong năm mới", phía DSC nêu quan điểm.

Trước đó, DSC cho rằng "Minsky Moment" đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Minsky Moment: Thời điểm Minsky, đề cập đến khởi đầu của sự sụp đổ thị trường do hoạt động đầu cơ liều lĩnh gây ra, xác định một giai đoạn tăng giá không bền vững).

"Có cơ sở để cho rằng đã xảy ra một Minsky Moment dạng nhẹ trên thị trường các loại tài sản Việt Nam trong năm vừa qua. Biểu hiện rõ nhất có thể thấy trên thị trường tài chính là giai đoạn sụt giảm mạnh từ đỉnh khi trạng thái margin căng cứng cực độ từ tháng 4–6/2022 và giai đoạn call margin ở cấp độ doanh nghiệp, call margin chéo do siết chặt thị trường trái phiếu và hết room tín dụng vào tháng 10-11/2022. Đặc điểm chung của những đợt sụt giảm trên là việc thị trường rơi thẳng đứng và thanh khoản sụt giảm mạnh sau đó", nhóm chuyên gia của DSC cho hay.

Ở các thị trường tài sản khác, ví dụ như thị trường bất động sản (BĐS) cũng chứng kiến trạng thái tương tự. Sau nhiều năm, giá nhà đất giảm ở nhiều địa phương, nguy hiểm hơn là nhiều nơi mất thanh khoản. Việc sử dụng đòn bẩy trên thị trường bất động sản cũng là rất phổ biến, không chỉ với nhà đầu tư cá nhân mà còn cả doanh nghiệp. Nhiều bên tham gia thị trường vẫn sẽ cần loay hoay để tìm hướng giải quyết trong năm 2023.

"Rẻ, nhưng xứng đáng rẻ"

Năm 2022, thị trường giảm điểm sâu ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo DSC, trong nguy có cơ. VN-Index sau điều chỉnh đã trở về mức định giá khá thấp so với lịch sử. Cụ thể, P/E của VN-Index kết phiên 30/12 đạt 10,5 lần, đạt mức percentile 6,6% khi so sánh với dữ liệu lịch sử của VN-Index giai đoạn 2007 - 2022, tức là trong 15 năm, chỉ có 6,6% tổng số phiên giao dịch có mức P/E nhỏ hơn 10,5 lần. Nói cách khác, trong 93,4% số phiên giao dịch kể từ 2007 đến nay, VN-Index đều có P/E cao hơn mức kết phiên 30/12/2022.

Với mức định giá đã ngang bằng đáy chỉ số năm 2008 và 2012, DSC kỳ vọng dòng tiền đầu tư dài hạn sẽ giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, tạo động lực phục hồi.

Tuy P/E của VN-Index đang ở mức khá thấp, DSC nhấn mạnh cần chú ý mức định giá thấp này được kéo chủ yếu bởi nhóm Ngân Hàng (P/E hiện tại là 8). Trong 12 tháng trở lại, lợi nhuận sau thuế nhóm Ngân hàng chiếm tới 49% tổng lợi nhuận sau thuế của các nhóm cổ phiếu thuộc VN-Index.

P/E của nhóm Ngân hàng ở mức thấp so với mặt bằng chung
P/E của nhóm Ngân hàng ở mức thấp so với mặt bằng chung

Nếu không tính ngành Ngân hàng và Bất động sản, P/E của VN-Index đạt 12,3 lần, thấp so với lịch sử nhưng không phải quá hấp dẫn, theo quan điểm của DSC. Nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy yếu trong 2023, P/E có thể tăng vọt, biến định giá từ rẻ thành đắt. P/E “rẻ” từ đó có thể là cái bẫy, đánh lừa các nhà đầu tư giá trị. Vì vậy, nếu tham gia mua dài hạn, nhà đầu tư cần xem xét kĩ về mặt cơ bản để tìm những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, tránh mua vào những cổ phiểu “rẻ, nhưng xứng đáng rẻ”.

Năm 2023 dự báo nhiều "sóng", đầu năm phòng thủ nhưng không bi quan

DSC dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 sẽ còn nhiều đợt rung lắc, tạo cả cơ hội đầu tư giá trị ở định giá thấp và cơ hội đầu cơ (trading) ngắn hạn.

"Trong năm 2022, độ lệch chuẩn của chỉ số VN-Index đạt 24,4%/năm; biến động của chỉ số đạt kỷ lục 1 thập kỷ. 2023 với nhiều diễn biến vĩ mô phức tạp kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm có nhiều “sóng”, cả lên và xuống, tạo cả cơ hội lẫn thách thức", báo cáo của DSC nhấn mạnh.

Về kịch bản thị trường năm 2023, DSC cho hay chiến lược đầu năm là phòng thủ nhưng không bi quan.

Theo công ty chứng khoán này, thị trường bắt đầu năm 2023 với nền tảng định giá thấp so với quá khứ, chỉ quanh 11 lần. Dựa theo dữ liệu lịch sử, với P/E dưới 13 lần, tỷ suất sinh lợi trong 3 tháng, 6 tháng tiếp theo kể từ năm 2013 chưa bao giờ là quá thấp. Do đó với việc kỳ vọng nền kinh tế còn nhiều thử thách nửa đầu năm thì mức giảm quá đà do việc thiếu thanh khoản cuối năm 2022 đã tạo ra một mặt bằng giá đủ hấp dẫn và thu hẹp dư địa giảm. 

Trong giai đoạn suy thoái hoặc khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hầu hết các nhóm ngành chu kỳ sẽ có sự suy giảm lợi nhuận. Các nhóm ngành không theo chu kỳ, mang tính phòng thủ như Thực phẩm đồ uống, Điện, Nước, Y tế, công nghệ thông tin sẽ có kỳ vọng tích cực hơn. Các nhóm ngành này sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi thị trường chưa xác nhận tạo đáy dài hạn và vĩ mô còn nhiều dấu hỏi. Tuy nhiên mức định giá cần được quan tâm, cổ phiếu phòng thủ nên được cân nhắc ở mức giá hợp lý.

DSC dự báo chu kỳ kinh tế của Việt Nam trong năm 2023
DSC dự báo chu kỳ kinh tế của Việt Nam trong năm 2023

Trong nửa cuối năm, DSC đánh giá thị trường chứng khoán sẽ dần có thêm sự tự tin.

"Nếu như nền kinh tế cải thiện dần về cuối năm, thị trường chứng khoán có thể bắt đầu một chu kỳ mới trước khi nền kinh tế thực sự chạm đáy. Khả năng trong năm 2023, khi những thông tin xấu về nền kinh tế dần được hé lộ và kèm theo chính sách tiền tệ có xu hướng đảo chiều, đáy chứng khoán 2023 sẽ được xác nhận. Khi đó nền kinh tế bước vào pha phục hồi và sự phòng thủ có lẽ không còn phù hợp mà luân chuyển cần được tập trung vào những nhóm ngành được hưởng lợi nhất ở pha phục hồi", báo cáo viết.

Đó là nhóm Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán), Công nghiệp, Nguyên vật liệu, Công nghệ thông tin, Hàng tiêu dùng không thiết yếu… - những nhóm ngành dẫn dắt ở pha phục hồi. 

Chốt năm 2023, DSC dự báo VN-Index sẽ đạt 1.100 điểm ở kịch bản cơ sở, 850 điểm ở kịch bản xấu và 1.300 điểm ở kịch bản tốt; đồng thời nhấn mạnh năm nay sẽ còn nhiều khó khăn nhưng khả năng thị trường tài chính sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2022 và là cơ hội để tích lũy tài sản cho một chu kỳ mới.

Thanh Long

Theo VietnamFinance