'Thanh khoản TTCK năm 2023 tiếp tục đi xuống, giảm 30% so với 2022'

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ tiếp tục sụt giảm về mức trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm 30% so với mức bình quân năm 2022.

‘Khối lượng đáo hạn lớn có thể kéo theo nhu cầu phát hành TPDN trong 2 năm tới’

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo chiến lược năm 2023. Theo đó, về tình hình vĩ mô, MBS cho rằng trong xu hướng ngắn hạn, đồng VND sẽ tiếp tục chịu áp lực so với đồng USD khi FED vẫn còn khả năng tăng thêm lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, áp lực sẽ nhẹ hơn do USD đã chứng kiến đà tăng so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả VND.

Sang năm 2023, VND dự kiến sẽ chỉ mất giá khoảng 2% so với USD khi FED sẽ dừng tăng lãi suất vào sau thời điểm tháng 3 năm 2023.

Về lãi suất điều hành, MBS cho rằng trong bối cảnh FED giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm đồng thời lạm phát trong nước tăng (nhưng vẫn trong tầm kiểm soát), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là nửa cuối năm 2023.

Được biết, NHNN đã duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ổn định trong giai đoạn 2018 -2019 và nới lỏng mạnh mẽ vào các năm 2020- 2021 để hỗ trợ nền kinh tế trong dịch Covid 19. Đến nửa cuối năm 2022, NHNN buộc phải hai lần điều chỉnh mức lãi suất điều hành về mức của năm 2019 để ổn định lạm phát và tỷ giá hối đoái.

Theo MBS, việc điều chỉnh này nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt để ứng phó với tình trạng lạm phát và lãi suất của nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng cao. Ngay sau mỗi lần điều chỉnh, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay.

Công ty chứng khoán này cũng dự báo lãi suất tiềnn gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như lạm phát.

Trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trầm lắng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 253.326 tỷ đồng (giảm 62%). Tổng giá trị phát hành riêng lẻ là 242.828 tỷ đồng, tiếp tục là hình thức chủ đạo (chiếm 95,7%).

Số liệu của FiinRatings cho thấy dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021). Trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và trên 50% là các trái phiếu không phải lĩnh vực bất động sản.

Theo MBS, con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quý III, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại là 57.723 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý II/2022. Trong 9 tháng năm 2022, khối lượng trái phiếu mua trước hạn đạt 135.180 tỷ đồng. MBS cho biết lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022.

Theo ước tính của MBS, khoảng 76.675 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn trong quý IV/2022, giảm 9,1% so với quý trước nhưng tăng 87,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ đáo hạn của trái phiếu bất động sản và ngân hàng lần lượt là 34,1% và 32,9%.

Số liệu này chỉ bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn. MBS ước tính có khoảng 142.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm nay.

Với tỷ lệ nêu trên, riêng quý IV có khoảng 20.071 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ ngành bất động sản đến hạn trả, giảm 40,3% so với quý III nhưng tăng 65,2% so với cùng kỳ. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790 nghìn tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để đảm bảo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường.

‘Lãi suất cao, trái phiếu đáo hạn,… thanh khoản TTCK năm 2023 sẽ vẫn gặp khó’

Theo MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam chiụ tác động mạnh trước bối cảnh bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu và những thay đổi nhạy cảm về chính sách điều hành vĩ mô trong nước (xử lý, bắt bớ sai phạm…), khiến Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.

Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã để mất 32,2% và 33,9% kể từ đỉnh 52 tuần. Sau hơn 2 năm tăng mạnh, VN-Index lại về sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu, một số nhóm ngành có mức giảm mạnh hơn so với chỉ số VN-Index có thể kể đến như bất động sản (giảm 72%), chứng khoán (giảm 59%), bất động sản khu công nghiệp (giảm 50%), thép (giảm 48%),…

Thị trường chứng khoán năm 2022 chịu sức ép trước những biến động điều hành của NHNN trước áp lực tỷ giá và lãi suất. Dòng tiền trong hệ thống căng thẳng trước áp lực thanh khoản và câu chuyện niềm tin khi thị trường trái phiếu và đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng do làn sóng rút tiền của nhà đầu tư.

Theo MBS, xu hướng thanh khoản năm 2023 vẫn gặp khó do FED tiếp tục tăng lãi suất và neo giữ ở mức cao với đỉnh lãi suất 2023 dự kiến ở mức 5,1%. Ngoài ra, FED và nhiều ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giảm dần bảng cân đối tài sản trong năm 2023. Cùng với đó, nền lãi suất cao, cung tiền thận trọng, đáo hạn trái phiếu sẽ tạo lực cầu lớn về thanh khoản.

Kể từ đầu năm, thanh khoản bình quân toàn thị trường giảm 21% so với mức bình quân năm 2021, còn 20.700 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, thanh khoản hiện nay chỉ còn gần một nửa và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh. MBS dự báo năm 2023, thanh khoản sẽ tiếp tục giảm sụt về mức trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, tương đương giảm 30% so với bình quân năm 2022.

Nền lãi suất duy trì ở mức cao hơn sẽ gây khó khăn cho dòng vốn vào thị trường  chứng khoán, áp lực điều chỉnh và rung lắc sẽ vẫn sẽ tiếp diễn nửa đầu năm 2023. Theo dự báo của MBS, trong kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ chủ yếu dao động trong khoảng 280 điểm từ 900 – 1.180 điểm.

MBS cho rằng trong 6 tháng đầu năm sẽ duy trì xu hướng khó khăn nhưng sẽ tích cực hơn về 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng áp lực lãi suất giảm bớt và kinh tế phục hồi trở lại. Ở kịch bản thận trọng, nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra, VN-Index có thể về mức thấp nhất 780 điểm và dao động từ 780 - 1.080 điểm.

Hải Đường

Theo VietnamFinance