TTCK bùng nổ trong phiên 28/5, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá

Thị trường chứng khoán phiên 28/5 ghi nhận đà tăng mạnh của các chỉ số trước sự bứt phá của nhiều cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến tích cực theo thị trường chung và tăng giá mạnh.

Sau phiên giảm điểm hôm 27/5, thị trường chứng khoán khởi đồng phiên cuối tuần (28/5) với sự thận trọng nhất định. Các chỉ số có biến động giằng co quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. VN-Index có lúc giảm điểm nhưng khi chỉ số này lùi về dần mốc 1.300 điểm thì lực cầu lại dâng cao và giúp bật trở lại.

Khoảng thời gian từ 10h hơn trở đi, diễn biến giao dịch trên thị trường khởi sắc hơn nhiều. Lực cầu tăng vọt cùng dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường giúp nhiều cổ phiếu lớn bứt phá từ đó các chỉ số cũng bật tăng mạnh. Dòng tiền càng trở nên mạnh hơn vào phiên chiều và tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Các cổ phiếu như BVB, VBB, PGB, SGB, STB hay LPB đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, NAB cũng tăng đến 13,3%, NVB tăng 8,6%, ABB tăng 7,1%, SSB tăng 5,3%. Toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá ở phiên 28/5.

Cùng với đó, đà tăng của các cổ phiếu như SSI, PVS, PVD, GVR, GAS, MSN... cũng là mạnh và giúp củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

TTCK bùng nổ trong phiên 28/5, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá - Ảnh 1
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Dù vậy, vẫn còn nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá trong phiên 28/5. Các mã như ACV, BVH, SAB, VJC, PNJ... đều chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức giảm của đa số các cổ phiếu này đều không quá mạnh nên áp lực gây ra đối với các chỉ số còn khiêm tốn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận sắc xanh áp đảo hơn. Tuy nhiên, đối với các mã vốn hóa lớn trong nhóm này, diễn biến có phần trái với sự tích cực và sôi động của thị trường chung. Trong đó, cả VIC, VRE và NVL đều giảm giá. Chốt phiên, VIC giảm nhẹ 0,4%, VRE giảm 0,7%, NVL giảm 0,8%. Trong khi đó, BCM, VHM và THD tăng giá nhưng mức tăng không quá mạnh và đều dưới 1%.

TTCK bùng nổ trong phiên 28/5, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá - Ảnh 2
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cũng giao dịch theo chiều tích cực, trong đó, NTC tăng 11,6% lên 199.900 đồng/cp, CLG và FLC đều được kéo lên mức giá trần, lần lượt là 1.400 đồng/cp và 12.150 đồng/cp.

Bên cạnh đó, IDC tăng 5,1% lên 37.400 đồng/cp. Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco vừa đăng ký bán toàn bộ 67,5 triệu cổ phiếu IDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 22,5% vốn điều lệ nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 28/5 đến 25/6.

NTL tăng 1,2% lên 26.200 đồng/cp. Mới đây, NTL thông báo ngày 15/6 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt con lại của năm 2020 tỷ lệ 10%, 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Thời điểm thanh toán là 6/7.

Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như PVL, BII, KBC, TIG, IDH, TCH, HDC... cũng đồng loạt tăng giá tốt.

Trong nhóm cổ phiếu bất động sản giảm giá, các mã thanh khoản cao đa phần có mức giảm khiêm tốn như CII chỉ giảm ,5%, AGG giảm 0,5%, HAR giảm 0,2%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,89 điểm (1,3%) lên 1.3204,6 điểm. Toàn sàn có 290 mã tăng, 124 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,01 điểm (1,97%) lên 310,46 điểm. Toàn sàn có 171 mã tăng, 75 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 2,03 điểm (2,41%) lên 86,11 điểm.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên 28/5 đạt mức 30.800 tỷ đồng. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 29.000 tỷ đồng, riêng HoSE, giá trị khớp lệnh lên mức kỷ lục và vượt 1 tỷ USD với 23.400 tỷ đồng. Với sự bùng nổ giao dịch của nhóm ngân hàng thì nhóm bất động sản chỉ có duy nhất 1 đại diện góp mặt trong top 10 về khối lượng khớp lệnh với 29,4 triệu đơn vị.

TTCK bùng nổ trong phiên 28/5, nhiều cổ phiếu bất động sản bứt phá - Ảnh 3
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng nhẹ 18 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, không có bất kỳ cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, NVL và VIC là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 59 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng.

Chốt tuần, VN-Index tăng 36,53 điểm (2,8%) lên 1.320,46 điểm; HNX-Index tăng 12,47 điểm (4,2%) lên 310,46 điểm. Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX tăng so với tuần trước với trung bình khoảng 26.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 4,2% lên 115.458 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,5% xuống hơn 3,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,7% lên 16.125 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6% xuống 706 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, thị trường có tuần tăng điểm thứ tư liên tiếp với giá trị giao dịch lập kỷ lục mới cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường và tâm lý khá hưng phấn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với việc VN-Index kết tuần ngay trên ngưỡng 1.320 điểm và đây cũng là vùng target của sóng tăng 5 lần này trong khoảng 1.320-1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) nên đây có thể coi là vùng giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán trong thời gian tới. SHS cho rằng đây là vùng giá khá nhạy cảm đối với thị trường chung và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong tuần giao dịch tới. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 31/5 - 4/6, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá hiện tại.

Tuấn Hào

Theo Reatimes