Từ ngày hôm nay, TP. HCM áp dụng bảng giá đất mới: Những ai bị ảnh hưởng?
Từ ngày hôm nay (1/8), bảng giá đất mới của TP. HCM điều chỉnh có 4.565 tuyến, tăng 557 tuyến so với bảng giá đất hiện hành.
Theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh của UBND TP. HCM, giá đất ở nhiều khu vực tại TP. HCM tăng cao so với bảng giá đất hiện hành (áp dụng từ năm 2020 đến nay), đặc biệt là ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, giá đất ở đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) tăng 51 lần.
Tại huyện Bình Chánh, giá đất tăng 24 lần. Chẳng hạn, đường số 8, khu dân cư Trung Sơn, có giá hiện hành là 6,3 triệu đồng/m2, theo dự thảo là 150 triệu đồng/m2.
Ở huyện Nhà Bè, giá đất tại tuyến đường Phạm Hùng tăng tới 23 lần, từ 3 triệu đồng/m2 hiện hành lên 70 triệu đồng/m2 theo dự kiến điều chỉnh.
Tại khu vực trung tâm, tuyến đường Đồng Khởi có giá đất cao nhất, lên tới 810 triệu đồng/m2, so với 162 triệu đồng/m2 hiện hành (tăng khoảng 5 lần).
Nhiều tuyến đường khác cũng có giá dự kiến tăng cao như Công Trường Mê Linh, Công Xã Paris với giá 484 triệu đồng/m2 (hiện hành là 96,8 triệu đồng/m2); Công Trường Lam Sơn 579 triệu đồng/m2 (hiện hành gần 116 triệu đồng/m2); đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Nguyễn Thị Minh Khai) có giá 484 triệu đồng/m2, so với 96,8 triệu đồng/m2 hiện nay.
Tổng hợp kết quả điều chỉnh bảng giá các loại đất áp dụng từ ngày 1/8 do UBND 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức gửi về cho thấy bảng giá đất điều chỉnh có 4.565 tuyến, tăng 557 tuyến so với bảng giá đất hiện hành.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, việc xây dựng dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020 của UBND TP. HCM về bảng giá đất trên địa bàn thành phố là tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, chủ trương của thành phố và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đến 1/1/2026, sau đó thành phố sẽ có bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Đồng thời, bảng giá đất này không còn hệ số giá đất và có thêm giá đất tái định cư; có 12 trường hợp chịu tác động, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Dự kiến, đến cuối năm 2024, TP. HCM sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá ảnh hưởng kinh tế - xã hội của bảng giá đất điều chỉnh và sẽ có điều chỉnh phù hợp để tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2025, trước khi có bảng giá đất mới áp dụng từ 1/1/2026.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 được thực hiện theo nguyên tắc thị trường và sẽ tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau trong đó, có lợi cho nhóm các trường hợp được bố trí tái định cư, bởi giá đất điều chỉnh được công bố bảo đảm tương đồng với giá đất cụ thể và phù hợp giá thị trường.
Nhóm 11 đối tượng thực hiện thủ tục hành chính thì có 3 nhóm không bị tác động, gồm: tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
Trong 8 nhóm đối tượng bị tác động, có hộ gia đình, cá nhân được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất sẽ áp dụng bảng giá đất cho tất cả diện tích không phân biệt trong hay ngoài hạn mức. Tuy nhiên, đối với diện tích đất trong hạn mức sẽ xét đến các mốc thời điểm sử dụng đất để quy định tỷ lệ thu trên cơ sở bảng giá đất.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh dựa trên dữ liệu thị trường về giao dịch đất đai trên địa bàn qua các năm, từ nguồn Cục Thuế thành phố và Văn phòng Đăng ký đất đai.
Giá đất dự kiến tại dự thảo có tăng so với bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020 của UBND TP. HCM khoảng 7 lần. Tuy nhiên, bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,5 lần.
Do đó, thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và chỉ tương ứng 70% mặt bằng giá thị trường.