Tuyến cao tốc gần 20.000 tỷ đi qua Nam Định và Thái Bình: Sẽ sở hữu 9 cây cầu, 5 nút giao dự kiến hoàn thành trong năm 2027
Đây là dự án đi qua tỉnh Nam Định và Thái Bình thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT 08) đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phường thức đối tác công tư.
Theo thông tin từ nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco - CTCP, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61km.
Trong đó, điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định (dài 27,6km), đi qua 4 huyện bao gồm Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường. Huyện Nghĩa Hưng gồm hai xã Nghĩa Thái, Nghĩa Trung; huyện Trực Ninh gồm 11 xã Trực thuận, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Hùng, Trực Nội, Trực Thành, Trực Đạo, Trực Tuấn, Trung Đông, Liêm Hải và Phương Định; huyện Nam Trực gồm một xã Nam Thanh; huyện Xuân Trường gồm 7 xã là Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Thủy, Xuân Phong, Xuân Đài, Xuân Tân và Xuân Thành.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình (dài 33,8km), đi qua hai huyện bao gồm Kiến Xương và Thái Thụy. Huyện Kiến Xương gồm 10 xã Vũ Bình, Vũ Công, Quang Minh, Quang Bình, Bình Minh, Hòa Bình, Đình Phùng, Thanh Tân, Bình Nguyên và Quốc Tuấn; huyện Thái Thụy gồm 9 xã là Thái Hà, Thái Sơn, Thái Giang, Thụy Phong, Thụy Sơn, Thụy Dương, Thụy Bình, Thụy Liên và Thụy Trình.Về hiện trạng sử dụng đất, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án tại hai tỉnh là 509ha, hầu hết diện tích đất do địa phương quản lý và giao cho các hộ dân sử dụng (đất ở, đất nông nghiệp). Tổng số có 1.387 hộ và 16 tổ chức dự kiến bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất.
Dự kiến số người bị ảnh hưởng của dự án là 5.354 người. Tổng số hộ phải di dời của dự án là 146 hộ, phương án bố trí tái định cư phân tán và tập trung. Dự kiến kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 1.080 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được lấy từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Về quy mô xây dựng, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, gồm 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Về tiến độ, năm 2023-2024 sẽ thực hiện chuẩn bị dự án; năm 2024-2025 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư; năm 2024-2027 sẽ thực hiện thi công xây dựng công trình.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 19.784 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 13.677 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.137 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác là 984 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.129 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng là 857 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình sẽ xây dựng 9 cầu bao gồm cầu vượt sông Kiến Giang có chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố là 333m, bề rộng cầu 24,75m; cầu vượt sông Sứ có chiều dài toàn cầu là 77,7m; bề rộng cầu là 24,75m.
Tuyến cũng sẽ xây dựng 5 nút giao bao gồm nút giao với đường trục PTKT tỉnh Nam Định; nút giao với đường Nam Định - Lạc Quần; nút giao ĐT 489C; nút giao đường Thái Bình - Cồn Vành; nút giao với đường cao tốc CT 16 (cao tốc Hưng Yên – Thái Bình) quy hoạch và ĐT 464 quy hoạch.
Dự án nhằm mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, kết nối các tỉnh, thành phố, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và tạo động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.